WSO Angels Awards là giải thưởng mà Hội Đột quỵ Thế giới (W.S.O) dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu.
WSO đưa ra 3 mức chứng nhận theo thứ tự từ thấp đến cao gồm tiêu chuẩn Vàng, Bạch kim và Kim cương. Như vậy, S.I.S Cần Thơ với chứng nhận Kim cương là mức chuẩn cao nhất của WSO so với chuẩn Vàng và Bạch kim mà một số bệnh viện ở Việt Nam vừa được công nhận thời gian qua. Thông tin này cũng đã cập nhật trên trang web của Hội Đột quỵ Thế giới.
Trong quý 3/2022, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là một trong 2 bệnh viện tại Việt Nam đạt chuẩn Kim cương và là 1 trong số 40 bệnh viện đạt tiêu chuẩn này trên thế giới.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM và đại diện cho Hội Đột quỵ thế giới tại Việt Nam cho hay, đây là phần thưởng danh giá mà hiếm đơn vị, trung tâm đột quỵ có thể đạt được.
“Năm 2018, khi Việt Nam bắt đầu hội nhập, tham gia đăng ký sổ bộ RESQ, cả nước chỉ có 1 bệnh viện đạt tiêu chuẩn Vàng. Đến năm 2022, Việt Nam đã có gần 30 Trung tâm đột quỵ đạt các tiêu chuẩn Vàng, Bạch kim. Tuy nhiên, đạt tiêu chuẩn Kim cương là rất hiếm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là bệnh viện thứ 3 tại Việt Nam và là bệnh viện thuộc hệ thống y tế tư nhân đầu tiên của nước ta nhận danh hiệu này”.
Khi đưa ra các tiêu chuẩn và trao tặng các chứng nhận Vàng, Bạch kim, Kim cương cho các đơn vị đột quỵ, Tổ chức Đột quỵ thế giới mong muốn sẽ đưa được những thành tựu của y học vào thực tiễn, để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ theo khuyến cáo chung của các Hội Đột quỵ chuyên ngành trên thế giới.
Chuyên gia nhìn nhận: “Điều này có nghĩa rằng, việc chúng ta đang làm cho bệnh nhân bị đột quỵ giống như một trung tâm đột quỵ ở châu Âu hoặc một nơi nào đó trên thế giới đang làm cho bệnh nhân của họ. Bởi tiêu chuẩn mà chúng ta đạt được là tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe của thế giới” – PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết.
Là một trong những người xây dựng tiêu chuẩn chăm sóc chất lượng cho bệnh nhân đột quỵ, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhìn nhận, để đạt được các tiêu chí cho chứng nhận Kim cương hoàn toàn không đơn giản, và sau đó tiếp tục duy trì được chứng nhận càng khó khăn hơn nữa.
“Bệnh viện Nhân dân 115 là một điển hình. Đây là nơi đầu tiên đạt được tiêu chuẩn Vàng, Kim Cương nhưng đã có lúc không duy trình được điều này, bởi vì còn phụ thuộc vào trang thiết bị và các yếu tố khác. Vì vậy, tiêu chuẩn Kim cương về điều trị đột quỵ không chỉ là tin tốt với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ mà còn là với người dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả ngành đột quỵ”. Chuyên gia cũng kỳ vọng, Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ tiếp tục giữ lửa để ê-kíp phấn đấu giữ được chuẩn Kim cương “càng lâu, càng tốt”.
Vì sao rất ít bệnh viện đạt tiêu chuẩn Kim cương trong điều trị đột quỵ?
Năm 2016, Tổ chức Đột quỵ châu Âu đưa ra sáng kiến nhằm cải tiến và thúc đẩy chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ bằng cách cung cấp dữ liệu có thể chuyển thành các chính sách và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, áp dụng trên toàn thế giới, gọi tắt là RESQ. Đến nay đã có 7.305 đơn vị điều trị đột quỵ đăng ký thành viên cùng Angels trên toàn thế giới.
Chứng nhận do Hội Đột quỵ Thế giới trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn không có hiệu lực vĩnh viễn. Thay vào đó, tổ chức này sẽ đánh giá chất lượng theo từng quý, nếu đủ tiêu chuẩn vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe mới được “tái cấp”.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tham gia RESQ từ quý 2 năm 2021, đạt mức Bạch kim (vào quý 2, quý 4 năm 2021 và quý 2 năm 2022). Đến quý 3 năm 2022, Bệnh viện là 1 trong 2 cơ sở y tế tại Việt Nam và là 1 trong 40 đơn vị điều trị đột quỵ khác trên toàn thế giới đã đạt giải thưởng cao nhất của WSO Angels – mức Kim Cương.
Để đạt được chứng nhận này, bệnh viện báo cáo các số liệu, quy trình điều trị lên hệ thống RESQ mỗi ngày, sau đó WSO căn cứ nhiều tiêu chí đánh giá như: quy trình tiếp nhận, can thiệp, cứu sống bệnh nhân đột quỵ, cho đến điều trị phòng ngừa sau khi xuất viện.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhìn nhận, có rất nhiều tiêu chí khắt khe của chứng nhận Kim cương, không chỉ ở vấn đề tay nghề, trình độ của bác sĩ, trang thiết bị của bệnh viện mà còn phải có sự phối hợp, hoạt động với cộng đồng, để người dân nhận biết được triệu chứng đột quỵ, đến bệnh viện để được điều trị tốt.
Chẳng hạn như tiêu chí tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tái tưới máu, trong đó điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải đến bệnh viện kịp thời gian. Vì thế, mặc dù bác sĩ điều trị tốt nhưng tỷ lệ bệnh nhân đến với bệnh viện trong giờ vàng đạt thấp thì đơn vị đó cũng không thể đạt chứng nhận Kim cương.
Chia sẻ về những nỗ lực của bệnh viện, TS.BS Trần Chí Cường bày tỏ, định hướng ngay từ khi đặt nền móng cho cơ sở y tế chuyên sâu về cấp cứu, điều trị đột quỵ này, đó là phải đạt những tiêu chuẩn khắt khe của Hội Đột quỵ thế giới, ít nhất là chứng nhận Vàng, và hiện nay điều này đã trở thành hiện thực.
“Chúng tôi đạt chứng nhận Kim cương sau hơn 1 năm nhận Bạch kim. Đây là sự chung sức và đồng lòng của hơn 500 nhân viên của bệnh viện. Tất cả những nỗ lực này đều chung một mục đích, định hướng là mang đến cho người dân đột quỵ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và người dân cả nước nói chung những dịch vụ cao cấp nhất, tối ưu nhất trong cấp cứu trong cấp cứu – điều trị đột quỵ, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ.
Đặc biệt là giảm gánh nặng cho TPHCM. Đây thực sự là bài toán nan giải. Trước năm 2015, tỷ lệ bệnh nhân đến trong giờ vàng chưa đến 5%. Hiện nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tỷ lệ bệnh nhân đến trong giờ vàng từ 20-22%. Nếu không xây dựng bệnh viện, số lượng bệnh nhân đột quỵ miền Tây vẫn sẽ đổ về TPHCM, đánh mất cơ hội được cứu sống và phục hồi” – TS.BS Trần Chí Cường cho biết.
Vì vậy, người đứng đầu chuyên môn của bệnh viện cũng cam kết với Hội Đột quỵ thế giới, bằng mọi giá sẽ duy trì tiêu chuẩn Kim cương “càng lâu, càng tốt”.
Phương Nguyên – Ảnh: Viết Hưởng – AloBacsi.vn
- Từ khóa: