Bổ sung postbiotics cho đường ruột – triển vọng mới giúp bệnh nhân trầm cảm và điều trị Hp mau khỏi

Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn chí đường ruột đóng vai trò quan trọng trong “đối thoại” não – ruột qua các đường thần kinh, miễn dịch và chuyển hóa. Sử dụng probiotics để điều trị các rối loạn tâm thần kinh và tiêu hóa là một hướng can thiệp điều trị mới nhiều triển vọng.

Sáng 18/9, gần 500 bác sĩ ở TPHCM và miền Đông, miền Tây Nam Bộ đã tham dự hội thảo khoa học “Probiotics – Postbiotics: Tiếp cận mới trong xử trí lâm sàng bệnh lý đường tiêu hóa”, do Hội Khoa học Tiêu hóa phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm Đông Đô tổ chức, với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, BS.CK2 Trần Kiều Miên – Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch LCH Khoa học Tiêu hóa TPHCM cho biết: “Hội Khoa học Tiêu hóa đã tổ chức rất nhiều buổi hội thảo nhưng vấn đề vi sinh đường tiêu hóa chưa được đi sâu. Trong các hội nghị tiêu hóa quốc tế vừa qua ở Mỹ và châu Âu đều đề cập đến rối loạn vận động, trầm cảm và những vấn đề COVID-19 để lại.

Như vậy ngoài bệnh lý thực thể đường tiêu hóa mà các bác sĩ vẫn đang thực hành thì còn có vai trò của hệ vi sinh đường tiêu hóa, dọc suốt từ miệng cho tới hậu môn, mỗi một đoạn lại có những vi sinh khác nhau. Vì vậy các BS phải có chiến lược điều trị đúng đắn đối với từng loại rối loạn tiêu hóa”.

Để làm được điều đó, các bác sĩ cần nắm rõ về phân loại và cơ chế tác dụng của các loại vi khuẩn, xử lý những tổn thương do vi khuẩn trên đường tiêu hóa như thế nào, tiếp cận bệnh nhân có rối loạn tâm lý kèm rối loạn tiêu hóa ra sao… 3 báo cáo viên sẽ lần lượt trình bày những vấn đề này.

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch hội Vi sinh lâm sàng TPHCM

TS.BS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch hội Vi sinh lâm sàng TPHCM

Ở bài báo cáo đầu tiên, “Prebiotics, probiotics và postbiotics tổng quan về phân loại và cơ chế tác dụng” – TS.BS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch hội Vi sinh lâm sàng TPHCM đưa ra những thông tin tổng quan và chi tiết về: hệ vi khuẩn ruột tác động đến nhiều cơ quan, loạn khuẩn ruột là gì, hậu quả của loạn khuẩn trên ruột, hậu quả của loạn khuẩn ruột trên các cơ quan ngoài ruột và hệ thần kinh, cách thức prebiotics tác động lên trục não – ruột (qua 3 con đường: thần kinh, nội tiết, miễn dịch), psychobiotic khôi phục được tương tác trục não – ruột, tác dụng và vị trí tác động của probiotics, hiệu quả phối hợp toàn diện của probiotics đa chủng, so sánh postbiotics với prebiotics – synbiotic – probiotic – pharmabiotic, cơ chế tác động của dịch nổi…

Khi đề cập đến loạn khuẩn ruột, TS Hùng Vân có giải thích về “rò rỉ ruột” hay “ruột rỉ” (leaky gut), đây là tình trạng mất toàn vẹn của ruột, dẫn đến hiện tượng phóng thích tế bào gây viêm vào máu, ảnh hưởng lên thần kinh. Ông cũng nhấn mạnh: để đánh giá tình trạng loạn khuẩn ruột của bệnh nhân thì cần phân tích toàn bộ hệ vi khuẩn chứ không chỉ cấy phân mà đánh giá được.

TS Hùng Vân kết luận: hệ vi sinh đường ruột là một cơ quan lớn và rất quan trọng trong cơ thể, chi phối hoạt động của nhiều cơ quan khác. Rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến hệ quả cho hoạt động của nhiều cơ quan khác của cơ thể. Prebiotics, probiotics và postbiotics là một giải pháp mà y học có thể tiếp cận để điều trị hay ngăn ngừa rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Các hiểu biết về ý nghĩa cũng như cơ chế của các biotic này là rất cần thiết.

TSKH Nguyễn Văn Sa - Giám đốc Viện nghiên cứu miễn dịch Gifu Nhật Bản

TSKH Nguyễn Văn Sa – Giám đốc Viện nghiên cứu miễn dịch Gifu Nhật Bản

Tiếp theo, TSKH Nguyễn Văn Sa – Giám đốc Viện nghiên cứu miễn dịch Gifu Nhật Bản trình bày bài báo cáo thứ hai: “Postbiotics trong điều trị bệnh do H.pylori” gồm các nội dung: những thách thức trong điều trị bệnh do H.pylori, các nghiên cứu gần đây về vai trò của probiotics/postbiotics trong điều trị HP, L. johnsonii 1088 – giải pháp giúp vượt qua khó khăn trong điều trị HP.

Định nghĩa theo báo cáo đồng thuận Hiệp hội Khoa học thế giới về probiotics và prebiotics 2019:Probiotics: vi khuẩn sống mà khi sử dụng ở liều lượng nhất định mang lại lợi ích cho sức khỏe

Postbiotics (các tên gọi khác: paraprobiotics, heat-killed probiotics, non-viable probiotics, tyndallized probiotics, biogenics): chế phẩm từ vi sinh vật đã được làm chết mà mang lại lợi ích cho sức khỏe. Postbiotics có thể chứa hoặc không chứa chất chuyển hóa của probiotics.

Sau khi đưa ra các nghiên cứu, so sánh, đánh giá… về tác dụng của việc bổ sung postbiotics vào liệu trình điều trị Hp, TS Sa đưa ra kết luận: postbiotics (vi khuẩn đã được làm chết) có thể đem lại lợi ích tương tự như probiotics. Probiotics/ postbiotics L. johnii 1088 có khả năng làm tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ của thuốc. L. johnii 1088 làm giảm tiết axit dạ dày và giúp cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. L. johnii 1088 có thể giúp ích giải quyết 3 thách thức trong điều trị HP (triệu chứng dai dẳng sau điều trị, tác dụng phụ do thuốc, HP đề kháng kháng sinh).

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Phó chủ tịch LCH Khoa học Tiêu hóa TPHCM

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Phó chủ tịch LCH Khoa học Tiêu hóa TPHCM

“Trầm cảm và lo âu ở bệnh tiêu hóa và vai trò của postbiotics” là bài báo cáo cuối cùng, do PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Phó chủ tịch LCH Khoa học Tiêu hóa TPHCM trình bày, gồm 3 nội dung: 1. Tần suất và mức độ trầm cảm, lo âu ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng; 2. Trục não ruột và vai trò của vi khuẩn chí đường ruột; 3. Ứng dụng probiotics trong điều trị trầm cảm, lo âu ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng: y học chứng cứ đến 2022.

Kết thúc bài báo cáo, PGS.TS.BS Quách Trọng Đức đưa ra các luận điểm: Trầm cảm và lo âu rất thường gặp ở bệnh nhân tiêu hóa. Trục não – ruột đóng vai trò chính yếu giúp giải thích các rối loạn tâm thần kinh và rối loạn tiêu hóa xảy ra trên cùng bệnh nhân. Vi khuẩn chí đường ruột đóng vai trò quan trọng trong “đối thoại” não – ruột qua các đường thần kinh, miễn dịch và chuyển hóa, nhấn mạnh thuật ngữ mới: “trục não – ruột – vi khuẩn chí”. Sử dụng probiotics để điều trị các rối loạn tâm thần kinh và tiêu hóa là một hướng can thiệp điều trị mới nhiều triển vọng.

PGS Đức cho biết thêm: “Trước dịch COVID-19 Hội đã tổ chức một hội thảo tương tự như hôm nay. Nhìn lại những gì chúng ta đã biết trước đây sau 3 năm thì 2 bài báo cáo của thầy Phạm Hùng Vân và TS Nguyễn Văn Sa đã cung cấp rất nhiều thông tin cần cập nhật, kể cả những khái niệm mới như postbiotic, pharmabiotic trước đây chưa nghe nói nhiều, và còn có những thử nghiệm lâm sàng rất quý… đã giúp các bác sĩ hiểu thêm về vi sinh ứng dụng và vi sinh lâm sàng. Thành tựu của nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Sa cũng là niềm tự hào của người Việt khi có những sản phẩm được công bố với quốc tế.

Năm 1982, vi khuẩn H.pylori được tìm ra khi 2 nhà khoa học Robin Warren và Barry Marshall phân lập được chủng vi khuẩn mới từ mẫu sinh thiết dạ dày của một bệnh nhân loét hành tá tràng. 1 năm sau đó 2 thầy trò đã nuôi cấy thành công chủng vi khuẩn này và công trình nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Lancet nhưng người ta vẫn không tin nổi là có một loại vi khuẩn sống được trong môi trường axit của dạ dày và gây bệnh. Hơn 20 năm sau, mối liên quan giữa vi khuẩn đó với viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày mới được chứng minh và đó thật sự là một cuộc cách mạng, đem đến giải Nobel cho 2 thầy trò.

PGS Quách Trọng Đức nhận định: “Hiện nay chúng ta đang đứng trước ánh bình minh của cuộc cách mạng mới, vẫn còn nhiều thứ cần phải làm và tôi mong có những kết nối thường xuyên, cập nhật thường xuyên về mặt kiến thức giữa các nhà nghiên cứu vi sinh và các bác sĩ để hiểu rõ hơn về probiotics, postbiotics, từ đó ứng dụng trong lâm sàng để điều trị tốt hơn cho bệnh nhân”.

Hồng Nhung – AloBacsiGioi.vn (Theo AloBacsi.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *