Niềm hi vọng của người bị liệt – BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn, Bệnh viện Nhân dân 115 đang trên hành trình một vòng vi phẫu kết nối, nhân bản các chuyên gia vi phẫu. BS Viễn ước mong tỉnh nào cũng làm được kỹ thuật cao cấp này, để đem lại những điều kỳ diệu, trả lại ngoại hình, chức năng và sự tự tin trong tâm hồn người bệnh.
1. Chìm đắm trong ca vi phẫu hơn 10 tiếng, quên đói, quên mệt
Những ai muốn gặp BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn – Phó khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 tại phòng mạch ở nhà, dù là ngoài giờ hành chính cũng nên hẹn trước, bởi anh thường xuyên về muộn.
Bà nhạc mẫu ra mở cửa: “Viễn đi mổ chưa về cháu ạ, không biết giờ này đã ăn gì chưa…”. Đó là nỗi lo thường trực, bởi nhiều bữa bà dọn cơm sẵn, anh con rể chưa kịp ăn đã vội vào bệnh viện.
BS Viễn không mổ cấp cứu nhưng thời điểm kết thúc của ca phẫu thuật trước đó không biết khi nào, nhiều khi dự tính là 1 tiếng nhưng gặp sự cố thì kéo dài thêm 2-3 tiếng không chừng. Vì vậy, hễ bệnh viện báo ca trước xong là BS Viễn phi vào ngay, vì đội ngũ gây mê phải đợi phẫu thuật viên có mặt mới bắt đầu.
Nếu là mổ vi phẫu thì cuộc phẫu thuật thường kéo dài 6-8 tiếng, có khi hơn 10 tiếng thì phòng mổ chỉ phục vụ một ca này thôi đã hết ngày nên không cần chờ đợi ca mổ trước.
Bình thường 1 người làm việc 2-3 tiếng phải nghỉ ngơi một chút, còn mổ vi phẫu, bác sĩ đứng một chỗ hay ngồi một tư thế suốt 10 tiếng quả thật rất mệt. Đau chân, mỏi khớp, giãn tĩnh mạch chi là những vấn đề phẫu thuật viên thường xuyên đối mặt. Tuổi trẻ có thể lướt qua nhưng bước vào trung niên thì cơ thể lên tiếng báo động.
Chưa kể, mổ vi phẫu là phải đeo kính lúp hoặc nhìn qua kính hiển vi. Kính lúp thì tương đối dễ chịu và có thể nhúc nhích được. Còn nhìn qua kính hiển vi, phẫu thuật viên phải ngồi đơ như tượng, bởi kính này có biên độ phóng đại (6-10-20 lần) to hơn kính lúp rất nhiều, nếu cử động dù chỉ một chút cũng làm hình ảnh phẫu trường trước mắt xê dịch nhiều, rất khó chịu.
Ca mổ dài như thế nhưng đa số phẫu thuật viên lựa chọn mổ thông tầm, là “làm luôn một lèo” không ra nghỉ giữa hiệp, nhịn luôn không ăn uống gì. Cũng có khi giải quyết cơn đói theo cách riêng, như một người thầy của BS Viễn: “Ông cắm dây dịch truyền vào chai nước ngọt hay hộp sữa, đầu kia đưa vào miệng để hút, cứ vậy ngồi làm từ sáng tới chiều, kết thúc ca mổ mới đi ăn”.Đói, mệt, nhưng do tập trung cao độ nên nhiều khi phẫu thuật viên không để ý, kết thúc ca mổ mới “xụi lơ”. Nhưng nỗi nhọc nhằn này cũng mau chóng tan biến nếu ca mổ thành công, còn ngược lại sẽ là gánh nặng tâm lý rất lớn: “Cơn mệt sẽ kéo dài 2-3 ngày, có khi cả tuần, cả tháng. Bởi vì cả ekip đã dồn toàn lực vào ca mổ, nếu thất bại thì ngoài cái mệt của thể chất còn cái mệt dai dẳng của tinh thần nữa” – BS Viễn giải thích.
Vì vậy, để hạn chế tối thiểu thất bại, bác sĩ vi phẫu buộc phải rất tỉ mỉ, chính xác, không cho phép mình cẩu thả. Và một tố chất không thể thiếu, đó là kiên trì. Kiên trì học hỏi, kiên trì không bỏ cuộc trước thất bại, kiên trì theo đuổi một công việc cực nhọc mà thù lao không cao.
2. Vi phẫu đem lại sự tự tin trong tâm hồn người bệnh
Công việc cực nhọc, thù lao không cao, động lực để các bác sĩ vi phẫu tiếp tục công việc là: “Qua năm tháng, chính sự phục hồi của người bệnh làm cho mình thấy công việc đạt hiệu quả và sẵn sàng tiếp nhận những ca khó hơn” – BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn chia sẻ.
Có thể thấy, vi phẫu là cứu cánh sau cùng của những tổn thương rất nặng nề.
Với những bệnh nhân bị bỏng, co rút toàn bộ cơ mặt, hoặc bệnh nhân ung thư sau khi xạ trị bị hư vùng cổ và cằm, vi phẫu có thể xoay chuyển, nối các vạt da che phủ vùng đó, biến đổi một người xấu xí trở nên dễ nhìn hơn.
Với người bị tai nạn lao động mất toàn bộ ngón tay, sau khi ghép ngón chân lên làm ngón tay, mặc dù không đẹp nhưng cầm nắm được, giúp họ tự chăm sóc bản thân được, thậm chí lao động được.
Có người bị mất 1 chân, đồng thời liệt 2 tay, sau khi mổ vi phẫu, 2 tay cử động được, cuộc đời bước sang trang mới. Có người bị tai nạn dập nát chân đi không được, phải ngồi xe lăn, sau phẫu thuật mặc dù hơi khập khiễng nhưng đã đi lại được trên chính đôi chân của mình.
Nhiều trường hợp bị liệt mặt mấy chục năm, mặc cảm không dám cười, vi phẫu có thể lấy lại nụ cười cho họ.
Còn những bệnh nhân ung thư phù tay phù chân, mặc áo hay xỏ chân vào ống quần hết sức chật vật, sau phẫu thuật ghép hạch bạch huyết bằng vi phẫu, tay chân giảm bớt độ phù, thoải mái bước ra đường, trở lại sinh hoạt thường nhật.
Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân tìm đến hoặc được đồng nghiệp giới thiệu tới BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn càng nhiều, càng tăng độ khó.
Có người bị viêm xương gần 20 năm, đã mổ cả chục lần vẫn tái lại, đi đến đâu cũng được khuyên cắt chân nhưng bệnh nhân không muốn. BS Viễn quyết định cắt phần xương hư hoại đó đi, sau đó chuyển xương, kéo dài xương, chỉnh hình lại, kết quả là bệnh nhân hết viêm xương, cẳng chân dần hồi phục, đi lại được.
Những trường hợp mổ nhiều lần thất bại trước đó không chỉ khó về mặt chuyên môn mà còn nghèo theo nhiều nghĩa. Nghèo tiền bạc – gia cảnh khó khăn mà phải chạy chữa nhiều nơi; nghèo tinh thần – họ thất vọng sau nhiều ca mổ không được như mong đợi; cộng thêm ít hiểu biết về bệnh lý của mình, trong khi bác sĩ hăm hở muốn làm thì họ dửng dưng, thậm chí từ chối.
Nhưng BS Viễn vẫn “năn nỉ” bệnh nhân đồng ý mổ, là vì: “Phải hiểu cho người bệnh rằng họ đã kiệt quệ rồi, khi tới với mình, không biết có phải thêm một lần cố gắng vô ích nữa không. Nhưng nếu ca này mình thấy có thể giúp cho họ tốt hơn thì vẫn quyết tâm thực hiện”.
Với những hoàn cảnh khó khăn đó, vị bác sĩ trẻ có đôi tay tài hoa không chỉ nhận mổ miễn phí mà còn liên hệ truyền thông tìm mạnh thường quân hỗ trợ, hay bỏ tiền túi để bệnh nhân có tiền đi xe… Ước nguyện sau này của BS Viễn là nếu có đủ thiện duyên thì sẽ “đi mổ dạo” để giúp các em bé bị dị tật bẩm sinh hay do tai nạn.
BS Viễn xem đó là cách đền đáp cuộc đời: “Tôi muốn chia sẻ vì nhận thấy bản thân gặp được nhiều may mắn trong cuộc sống này, được gặp những người thầy, được giúp đỡ từ nhiều phía: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp … làm cho nghề nghiệp của mình được thăng hoa”.
3. Chàng họa sĩ muốn theo ngành kiến trúc nhưng cơ duyên lái qua vi phẫu
Lớn lên ở một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắc Lắc, Nguyễn Cao Viễn chứng kiến những người bị sốt cao được khiêng trong võng, 2 đầu cột vào 2 chiếc xe đạp, dắt đi 30-40km mới gặp được bác sĩ, tới nơi không chắc còn sống.
“Thời đó còn chưa có xe công nông, trạm y tế chỉ vài y sĩ phụ trách cả vùng, điều trị được một ít bệnh hay chấn thương đơn giản nên gia đình nào cũng mong trong nhà có người học y, để yên tâm cho cuộc sống của họ chứ không phải nhìn vào danh lợi của nghề bác sĩ”, đó cũng là lý do Nguyễn Cao Viễn thi vào trường y, chứ thật lòng thì chàng trai có tài vẽ đẹp thích theo ngành kiến trúc hơn.
Khi đã là sinh viên trường Đại học Y dược Huế, anh nhận vẽ tranh truyền thần, vẽ ảnh thờ, chép tranh, vẽ tranh sơn dầu… để trang trải chi phí sinh hoạt. Hồi đó, bộ phim Titanic (1997) đang làm mưa làm gió, nhiều người hâm mộ đặt hàng vẽ 2 nhân vật Jack và Rose… Những buổi chiều thảnh thơi, anh xách ba lô ra đồng vẽ phong cảnh. Huế trong mắt Nguyễn Cao Viễn là vùng đất của nghệ thuật, nơi sản sinh nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi. Sau này, cuộc sống bận rộn ở Sài Gòn và lịch phẫu thuật dày đặc không cho phép anh thả hồn vào tranh nữa.
Năm 2003, BS Nguyễn Cao Viễn vào TPHCM theo lời hướng nghiệp của người cậu là bác sĩ chấn thương chỉnh hình (CTCH) Võ Văn Toàn, đồng thời là giảng viên Đại học Tây Nguyên. Lúc ấy, người cháu còn “mê” các thầy mổ tim và ngoại tổng quát nhưng người cậu nhìn ra vi phẫu đem lại nhiều cái hay cho cuộc sống này nên định hướng cháu mình đi theo. Đây cũng là người thầy đầu tiên trong nghề của BS Viễn.
Khi đến Sài Gòn, người thầy cầm tay chỉ việc cho anh bước vào CTCH là PGS.TS.BS Cao Thỉ ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tiếp theo, BS Viễn được thầy Võ Văn Châu nguyên trưởng khoa Vi phẫu – tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, một trong những người đặt nền móng cho vi phẫu tại Việt Nam dìu dắt.
BS Viễn vẫn nhớ: “Thầy Châu dạy tôi về vi phẫu, tạo hình và rất nhiều thứ trong cuộc sống ngoài chuyên môn. Thầy luôn giản dị, gần gũi. Thầy giống như người truyền đạo, làm cho học trò đam mê, thích thú vi phẫu”.
Đến khi về khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115, BS Viễn được gặp thầy Phú. TS.BS Nguyễn Đình Phú lúc đó là trưởng khoa, ông hết sức tin tưởng và tạo điều kiện cho đồng nghiệp, đàn em triển khai rất nhiều kỹ thuật phức tạp.
Về sau này, BS Nguyễn Cao Viễn theo học Giáo sư Rene Esser (người Pháp). Được một người thầy đã đi nhiều nơi trên thế giới, rất giàu kinh nghiệm chỉnh hình các dị tật truyền đạt những kỹ thuật khó nhất trong chỉnh hình, BS Viễn đam mê thêm mảng này.
“Nếu ở lứa tuổi và thời kỳ đó không có những người thầy đứng ra đỡ đầu thì mình không bao giờ làm được như hôm nay” – BS Viễn luôn nhớ ơn các thầy của mình, dù đến nay người còn người mất.
4. Hành trình một vòng kết nối để các bác sĩ vi phẫu trở thành chuyên gia của nhau
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn cho biết, vi phẫu có nhiều cấp độ: vi phẫu nối chi thể: nối tay chân đứt lìa bằng cách nối thần kinh, mạch máu, làm những vạt da cơ bản; vi phẫu tái tạo: tái tạo những khuyết hổng; vi phẫu chức năng: dùng vi phẫu đưa lại những chức năng bị khiếm khuyết (VD: liệt mặt, liệt tay chân),…
Người đam mê vi phẫu rất nhiều nhưng số lượng bác sĩ vi phẫu rất ít, bởi con đường này không dễ đi, nhất là với người trẻ. Một bác sĩ mất 12 năm để có bằng CTCH, 12 năm đó gần như không kiếm ra tiền, nếu có cũng chỉ vừa đủ trang trải. Lúc này, không ai muốn gia đình phải chu cấp thêm nữa, trong khi muốn thành thạo vi phẫu phải thêm 5 – 10 năm.
Để mở rộng mạng lưới bác sĩ vi phẫu, cứ ngày nghỉ phép hay cuối tuần, BS Viễn lại đi đến các bệnh viện bạn để đào tạo, chuyển giao: “Chuyên gia dù giỏi đến mấy cũng không thể cùng lúc đi đến nhiều tỉnh. Tôi chỉ mong mỗi bệnh viện có được 1-2 bác sĩ vi phẫu. Nếu người này đi công tác hay đi học, hoặc gặp ca khó thì đồng nghiệp ở các bệnh viện gần nhau có thể chạy qua hỗ trợ. Như vậy, trong mạng lưới, mỗi bác sĩ vi phẫu đều trở thành chuyên gia của nhau. Nếu các bạn trẻ đi theo vi phẫu thì hãy giữ vững niềm đam mê, kiên trì của mình thì chắc chắn sẽ thành công”.
Đến giờ, group vi phẫu đã có 1900 thành viên là các bác sĩ và nhân viên y tế có cùng mối quan tâm. Một vòng vi phẫu của BS Viễn kết nối được các tỉnh miền Nam và một vài tỉnh miền Trung, hành trình vẫn còn rất dài.
Đi giảng dạy trong nước hay đi giao lưu học hỏi ở nước ngoài, vị bác sĩ 20 năm kinh nghiệm luôn mang theo khối tài sản quý giá nhất, đó là dữ liệu các ca phẫu thuật anh đã thực hiện, mỗi danh mục lên đến vài trăm ca.
“Người bệnh là tài sản quý giá nhất của bác sĩ vi phẫu” – đối với BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn là vậy. Sau ca phẫu thuật, họ về nhà luyện tập phục hồi rồi quay lại tái khám để bác sĩ đánh giá lại kết quả phẫu thuật, thành công hay thất bại đều là kinh nghiệm quý.
Còn nhớ, có lần làm mất điện thoại, BS Viễn tiếc hùi hụi vì mất liên lạc với bệnh nhân của mình, bởi nhiều người xuất viện là về luôn, bác sĩ thuyết phục dữ lắm mới chịu tái khám, mặc dù trước đó, khi tiếp nhận điều trị, anh đều “bắt” bệnh nhân hứa quay lại.
Số điện thoại của BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn cũng rất dễ tìm trên các trang tin y tế, bởi anh không nề hà giải đáp, tư vấn cho tất cả bệnh nhân. Nhưng cũng nhiều người thắc mắc sao gọi mãi bác sĩ không nghe máy thì chắc chắn lúc đó vị cứu tinh cho người bị liệt đang chìm đắm trong ca mổ vi phẫu rồi.
Bài: Hồng Nhung – Thiết kế: Anh Thi – AloBacsiGioi.vn
Bạn muốn thăm khám với BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn có thể đến trực tiếp khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình – BV Nhân dân 115 hoặc đến phòng mạch tại: 343/15C, Tô Hiến Thành, P.12, Q.10, TPHCM. Tuy nhiên, do BS Viễn luôn trong tình trạng “kín” lịch mổ nên thường chỉ khám vào buổi sáng thứ 7. Trước khi đến khám, bạn vui lòng liên hệ trước qua số điện thoại 0908 693 734. |