BS.CK2 Nguyễn Quang Huy: Gác bút nghiên cầm dao phẫu thuật

Từng là một phóng viên giỏi của tờ báo lớn nhưng những giờ phút cầm dao phẫu thuật đưa bệnh nhân vượt qua cửa ải sinh tử khiến BS Nguyễn Quang Huy ngày càng đam mê công việc cứu người.

Năm 1987, chàng sinh viên y khoa Nguyễn Quang Huy tình cờ đi ngang qua tòa soạn báo Tuổi trẻ, nhìn thấy thông báo tuyển phóng viên, bèn đăng ký. Sau một năm được đào tạo nghiệp vụ, cả thi đầu vào lẫn đầu ra đều đạt điểm xuất sắc, phóng viên Quang Huy được phân công viết mảng chính trị – quốc tế của báo Tuổi trẻ. Sau những lúc ngồi trên giảng đường, Huy lại mang giấy bút, máy ảnh đi săn tin tức.

BS.CK2 Nguyễn Quang Huy kể: “Trước khi vào Đại học Y Dược TPHCM năm 1985 thì tôi có dự tính theo ngành an ninh. Nhưng sức khỏe của mẹ tôi không được tốt. Bà bảo: ‘Nhà mình không có ai là bác sĩ cả, hay là con theo ngành y?’. Thế là tôi thi vào trường y”.

BS Nguyễn Quang Huy vẫn tiếp tục viết báo trong 2 năm đầu làm việc tại Bệnh viện Nhân dân 115 rồi mới gác bút. Bởi lúc này, công việc cứu người đã trở thành niềm đam mê lớn của ông. Bằng chất giọng đặc trưng của người gốc Hà Nội, ông chia sẻ: “Có những ca thập tử nhất sinh, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, đẩy thẳng vào phòng mổ cắt lách để cầm máu, rồi truyền máu, bệnh nhân sống lại. Cảm giác như mình có phép cải tử hoàn sinh vậy”.

Cựu phóng viên báo Tuổi trẻ, nay là trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115 - BS.CK2 Nguyễn Quang HuyCựu phóng viên báo Tuổi trẻ, nay là trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115 – BS.CK2 Nguyễn Quang Huy

26 năm làm việc tại khoa Ngoại tổng quát, BS Huy không nhớ hết số lượng ca phẫu thuật của mình: “Mấy năm đầu tôi còn đếm, sau đó thì nhiều quá không thống kê nữa. Đến giờ chắc khoảng 10.000 ca rồi”.

Trong ngót nghét 10.000 ca mổ, ấn tượng nhất với BS Huy là lần phẫu thuật cho một nhạc sĩ nổi tiếng, lúc ấy đã 91 tuổi, bị đau ruột thừa. Người ngoài 80 ít khi gặp bệnh lý này, bởi tuổi cao, ruột thừa teo rồi, ít khi bị viêm nhiễm. Thế nhưng triệu chứng rõ quá. Việc thuyết phục bệnh nhân và gia đình cũng khá căng thẳng. Đến khi đưa vào mổ nội soi thì đúng là viêm ruột thừa thật. 2 ngày sau nhạc sĩ đi lại được.

Điều dưỡng trưởng của khoa Ngoại tổng quát, chị Nguyễn Thị Nguyệt cũng từng là bệnh nhân của BS Huy, khi đó ông còn là một bác sĩ trẻ, chưa đảm nhận chức vụ nào.

Cuối năm 1999, chị Nguyệt vào khoa Cấp cứu vì đau bụng, nghi do xuất huyết nội. Siêu âm không thấy rõ. Trong lúc mọi người đắn đo nên mổ hay không, BS Nguyễn Quang Huy ở khoa Ngoại được mời đến hội chẩn.

Cũng là người trong ngành, chị Nguyệt đinh ninh mình chưa đến mức phải phẫu thuật, chị đề nghị: “Để từ từ coi sao”. BS Huy dứt khoát: “Bây giờ trong bụng đầy dịch rồi, từ sao được mà từ!”. Sau đó, hai người quyết định chọc dẫn lưu ổ bụng để chẩn đoán. Xi lanh rút ra một ống đầy máu, BS Huy dịu giọng: “Thấy rồi chứ hả? Vậy là mổ nha!”.

Chị Nguyệt bật cười: “Ít khi nào BS Huy dịu dàng như vậy lắm, chỉ khi nói chuyện với bệnh nhân, người sắp lên bàn mổ thì mới nhỏ nhẹ vậy. Còn thường ngày anh ấy khá nóng tính, nhất là từ khi lên chức trưởng khoa, gánh trên vai bao nhiêu áp lực của người đứng đầu”.

Các điều dưỡng ở khoa Ngoại tổng quát rất quý mến vị trưởng khoa tính tình cương trực nhưng cũng vui vẻ, hòa đồng - BS.CK2 Nguyễn Quang HuyCác điều dưỡng ở khoa Ngoại tổng quát rất quý mến vị trưởng khoa tính tình cương trực nhưng cũng vui vẻ, hòa đồng – BS.CK2 Nguyễn Quang Huy

Nhưng chị điều dưỡng trưởng rất hiểu: “Bác sĩ ngoại khoa ai cũng nóng tính từ trong máu. Bởi trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, phải cương quyết, dứt khoát mới cứu được người bệnh. Còn những lúc ngoài công việc, BS Huy cũng vui vẻ, hát hay nữa”.

Không chỉ là một bác sĩ phẫu thuật giỏi nghề, BS.CK2 Nguyễn Quang Huy cũng am tường nội khoa, bởi không phải cứ ca nào chuyển đến cũng “đè ra mổ”. Chẳng hạn một bệnh nhân cao tuổi ở Sóc Trăng, bị nấc cụt nửa năm trời, đi hết 9 bệnh viện không khỏi. Sau khi tìm hiểu kỹ bệnh cảnh, BS Huy chỉ điều chỉnh thuốc uống, bệnh nhân khỏi hẳn nấc cụt. Từ đó, cứ khoảng 1-2 tháng, hễ sức khỏe “rục rịch” là ông cụ lại đón xe đi TPHCM tìm gặp BS Huy.

Công việc của trưởng khoa và nghiên cứu, giảng dạy luôn tất bật nhưng BS.CK2 Nguyễn Quang Huy không lãng quên nghề cầm bút. Thỉnh thoảng, ông vẫn cộng tác viết bài cho mục Sức khỏe – Thể thao của báo Tuổi trẻ với những nội dung rất thiết thực như: Cách điều trị viêm cân gan chân (ở người chơi thể thao), Cẩn thận khi tập luyện giữa trưa nắng… Gần đây nhất là các bài đăng trên các trang tin sức khỏe: Bệnh trĩ: Bệnh của giới văn phòng, “Bệnh”… độc thân!…

Giải thích cho việc một bác sĩ ngoại khoa có thể viết… đủ thứ, BS Huy khẳng định: nghề bác sĩ là không ngừng học, càng có nhiều kiến thức, càng chẩn bệnh chính xác. Vậy nên, đằng sau những bài viết chuyên ngành được diễn đạt dễ hiểu là tấm lòng của một vị bác sĩ – phóng viên, luôn muốn điều tốt nhất cho bệnh nhân, luôn mong kiến thức hay đến với mọi người.

»»» Xem thêm: ThS.BS Khâu Minh Tuấn: Chàng bác sĩ khoa Cấp cứu có tâm hồn văn sĩ

BS.CK2 Nguyễn Quang Huy

  • 1991: Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, Đại học Y dược TPHCM
  • 1992: Bác sĩ điều trị tại khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115
  • 2002: Tốt nghiệp thạc sĩ y khoa, Đại học Y dược TPHCM
  • 2007: Phó khoa Ngoại tổng quát
  • 2013: Trưởng khoa Ngoại tổng quát
  • 2017: Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa 2 ngoại chung (ngoại tổng quát), Học viện Quân y

Từ 2011 đến 2017: Nghiên cứu sinh.

Hồng Nhung – AloBacsiGioi

THÔNG TIN LIÊN HỆ

BS.CK2 Nguyễn Quang Huy khám tại Bệnh viện Nhân dân 115

Điện thoại đặt khám: 028.3868.4539 hoặc 0902.768.115 (Phòng khám VIP – Doanh nhân – BV nhân dân 115)

Thời gian làm việc: từ 7h30 – 16h (Thứ 2 – thứ 7)

Địa chỉ: Phòng khám VIP – Doanh nhân – BV nhân dân 115, số 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TPHCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *