BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh – Nguyên trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh: Vị bác sĩ kẹo ngọt luôn thấu hiểu con trẻ, thân thiết với phụ huynh như một gia đình

Buổi chiều nào, phòng khám nhi của BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh – nguyên trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đông đúc. Phụ huynh đưa trẻ đến khám rất yên tâm vì được tư vấn kỹ càng, về nhà có thắc mắc gì đều được giải đáp. Bởi theo BS Thanh, gia đình phối hợp tốt thì việc chữa bệnh cho trẻ mới hiệu quả.

Chữa bệnh cho trẻ không phải “bệnh đâu đánh đó, sốt uống thuốc sốt, ho uống thuốc ho”

6 năm trước, chiếc cầu nối AloBacsi với BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh – trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) – là một bé trai sốt mãi sốt hoài, phải làm đến xét nghiệm dịch não tủy. Cậu bé ấy nay đã là một chàng thiếu niên trung học bảnh bao trong bộ vest đầu tiên. Còn nữ bác sĩ đã bước qua tuổi hưu nhưng không ngơi nghỉ, tiếp tục làm việc tại phòng mạch trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, chiều nào cũng đông bệnh nhi đến khám.

Đông là bởi người ta nghe bác sĩ mát tay, cũng bởi niềm tin được tạo dựng nhiều năm, những đứa trẻ từng đến khám, lớn lên lập gia đình lại đưa con mình đến.

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh, thật ra sự “mát tay” này thứ nhất là xuất phát từ tình thương đối với trẻ nhỏ, thứ hai, muốn đạt được hiệu quả cần phải có kỹ năng tiếp xúc với em bé, nắm được tâm lý của trẻ, kết nối tốt với phụ huynh.

Thời tôi còn là sinh viên thì giáo trình chưa được đầy đủ lắm nhưng về sau này bác sĩ trẻ được học rất nhiều về tâm lý trẻ em, trong đó có những bài tập tiếp xúc với trẻ em thông qua trò chơi. Ví dụ với trẻ nhỏ chỉ cần 1 món đồ chơi có màu sắc hoặc một nụ cười niềm nở, rờ nhẹ nhẹ lên tay trẻ để tạo cảm giác thân thiện chứ đừng lập tức cầm ống nghe hay nói há miệng liền sẽ khiến cho bé sợ” – BS Thanh bật mí.

Khi phụ huynh trao đổi tình hình bệnh của con thì bác sĩ lắng nghe và giải thích. Tuy nhiên việc này chỉ đáp ứng được nếu ở một không gian thoải mái, thời gian không gấp gáp, còn tại các bệnh viện lượng bệnh nhân đông thì bác sĩ không thể nói chuyện nhiều. Thay vào đó, BS Thanh sẽ dùng ánh mắt hay sự thấu hiểu để nắm bắt được nỗi lo lắng của cha mẹ bé, chọn ra trong hàng tá vấn đề thì điều gì quan trọng nhất, giải đáp đúng trọng tâm để phụ huynh yên tâm hơn.

 

Nguyên trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 lý giải: “Một bệnh không do duy nhất 1 virus hay vi khuẩn mà từ nhiều yếu tố gây nên, như là hệ miễn dịch của trẻ kém, nhiều tác nhân gây bệnh tấn công, sự chăm sóc của gia đình chưa đầy đủ…

Do đó, việc điều trị phải phối hợp các yếu tố: chẩn đoán đúng, thuốc tốt, uống thuốc đúng, chờ đợi hệ miễn dịch của bé phát triển chứ không phải chỉ là sốt uống thuốc sốt, ho uống thuốc ho. Hơn nữa, càng về sau này việc dùng thuốc phải ít đi, khi cơ thể của trẻ chiến đấu với bệnh sẽ tạo được miễn dịch tốt hơn là cứ lệ thuộc vào thuốc”.

Vậy nên phụ huynh phải hiểu phương thức điều trị để phối hợp tốt với bác sĩ thì trẻ sẽ mau khỏe hơn. Điều quan trọng nữa là trẻ phải được vui vẻ. Một đứa trẻ có cha mẹ bất hòa hay trẻ bị ép ăn, ép uống thuốc sẽ có tâm lý chống đối, làm giảm hiệu quả điều trị.

Đừng tưởng ‘con nít không biết gì, hơi đâu nói chuyện với nó’. Thực tế là khi mình giải thích trẻ sẽ hiểu. Nhiều phụ huynh báo lại với tôi: ‘Bác sĩ nói con em phải uống nước nhiều, phải súc miệng… về nhà là nó nhớ làm theo’. Còn nếu thời gian khám ngắn quá, bác sĩ không kịp trò chuyện với trẻ thì về nhà phụ huynh nhớ trao đổi thêm với con để bé tuân thủ tốt”.

Phòng khám tốt là phải có kênh liên lạc để bệnh nhân hỏi lại sau khi về nhà

Dễ nhận thấy, kết quả điều trị tốt hay không còn liên quan đến sự tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân, người nhà.

Về chuyên môn thì bác sĩ cố gắng giải thích cho cha mẹ bé hiểu bệnh của con, tuy nhiên đi khám chỉ có 5-10 phút, đến khi phụ huynh về nhà mới phát sinh những việc cần hỏi lại, hỏi thêm. Do đó, rất cần những kênh liên lạc để phụ huynh tiếp tục tương tác sau khám.

Ở phòng mạch của BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh, nếu không gặp trực tiếp, phụ huynh rất dễ tiếp cận với các bác sĩ qua zalo hay nhắn tin trên fanpage facebook, tất cả câu hỏi đều được đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng trả lời nhanh chóng. BS Thanh cho biết: “Đây là sự gắn kết không thể thiếu giữa bác sĩ với gia đình các bé. Chúng tôi được xem như bác sĩ gia đình”.

Ngay cả câu slogan của phòng mạch cũng mang đến không khí gia đình ấm áp: Bé khỏe mẹ vui, cả nhà yên tâm. BS Thanh giải thích: “Mẹ là người chăm sóc bé nhiều nhất. Có những gia đình, người thường xuyên bên cạnh bé là bà, là ba nhưng đại đa số vẫn là mẹ. Bé khỏe mẹ vui thì dĩ nhiên cả nhà sẽ yên tâm”.

Phần lớn các bé đến phòng mạch là do các bệnh lý đường hô hấp, nhất là những tháng đầu năm học, trẻ trở lại trường không tránh khỏi việc lây nhiễm chéo các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, có những bệnh mạn tính như hen suyễn làm bé ho nhiều. Xếp sau bệnh hô hấp là bệnh tiêu hóa, thứ ba là bệnh ngoài da.

Quan điểm của BS Thanh là hạn chế dùng kháng sinh, trẻ nhiễm siêu vi vài ngày nếu hệ miễn dịch tốt thì sẽ lướt qua, phải có bằng chứng về nhiễm trùng thì bác sĩ mới kê kháng sinh. Về phía phụ huynh cũng có 2 “trường phái” với thuốc kháng sinh. Có nhiều phụ huynh “sợ” kháng sinh, dù bác sĩ kê thuốc vẫn không dám cho con uống. Nhưng cũng có người lại thắc mắc sao bác sĩ không kê kháng sinh từ sớm để em bé hết bệnh sớm. Cả 2 tình huống này, bác sĩ đều phải trao đổi kỹ để phụ huynh hiểu.

Các bệnh nhi bị chàm, dị ứng thì số lượng ít hơn nhưng phòng mạch vẫn điều trị tốt vì BS Thanh dành thời gian giải thích rõ cơ chế gây bệnh. Xác định và loại bỏ dị ứng nguyên là thiết yếu trong điều trị bệnh dị ứng, do đó cha mẹ phải tìm hiểu kỹ trong quá trình sinh hoạt, ăn uống, liệu có thứ gì đã gây dị ứng cho con. Kế đến, bác sĩ phải giải tỏa nỗi lo cho phụ huynh khi bé dùng thuốc dài ngày vì bệnh hay tái đi tái lại.

Nhìn chung, cha mẹ các bé đều hiểu biết và phối hợp tốt với bác sĩ” – BS Thanh cho biết. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi một số ít trường hợp phụ huynh quá sốt ruột về bệnh của con và tỏ ra nóng giận.

Là vị bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, cũng là một người mẹ, BS Thanh thấu hiểu: “Mỗi nghề đều có cái khó riêng. Với nhi khoa thì trẻ con không nói được nhiều. Con đau hay khó chịu cũng khó mô tả chính xác.

Phụ huynh thì sốt ruột khi con bị bệnh, và khi quá thương yêu lo lắng sẽ đẩy cao trào cảm xúc lên. Nếu họ dễ nóng thì có thể do cá tính mạnh, hoặc đó là tác phong thường ngày của họ, hoặc do suy nghĩ khám dịch vụ thì phải được phục vụ nhiều hơn… Tuy nhiên những trường hợp này không nhiều”.

Vị bác sĩ “kẹo ngọt” trong gia đình không thể thiếu những nụ hôn

Hầu như lúc nào trong túi áo blouse của BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh đều sẵn có những viên kẹo ngọt. Dẫu biết lý do là bác sĩ chuyên khoa nhi thường xuyên phải “dụ con nít” nhưng thanh niên 20-30 cái xuân xanh hay người không hảo ngọt cũng rung rinh vui sướng khi được “lì xì” kẹo mỗi khi gặp BS Thanh.

Xung quanh chị luôn là một bầu không khí yên ả, ngọt ngào. Ngay cả khi nhân viên gặp rắc rối với khách thì BS Thanh cũng ân cần tìm hiểu để tháo gỡ, giải thích chỗ đúng chỗ sai, không thiên vị bên nào. Vậy nên, nhân viên của phòng mạch từ người mới vào hay gắn bó gần 10 năm đều yêu mến nữ bác sĩ mê con nít này.

BS Thanh cười: “Từ nhỏ tôi đã thích con nít rồi, lại học giỏi toán nên muốn lớn lên sẽ làm cô giáo. Nhưng vì có người bạn thân thi vào trường y nên tôi cũng thi luôn”.

Sau khi tốt nghiệp y đa khoa,  vào làm ở trung tâm nhi khoa trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), BS Thanh giống như cá gặp nước. Tuy nhiên, ở trung tâm bệnh nhân nhân chỉ đến khám rồi về, quy mô không phải là một bệnh viện. Cảm thấy cần phải học nhiều hơn, BS Thanh lên đường qua Pháp học nội trú 1 năm.

Sau đó, trung tâm nhi khoa sát nhập với Bệnh viện Nhi đồng 2, để đáp ứng với việc điều trị các mặt bệnh đa dạng, BS Thanh học tiếp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. Nhận thấy chỉ có trau dồi thêm kiến thức thì mới đảm nhiệm công việc được, nữ trưởng khoa thường nói với các đồng nghiệp: “Xuất phát điểm của mọi người có thể từ trường này trường khác nhưng không quan trọng bằng tinh thần học hỏi của người bác sĩ, phải học không ngừng”.

Nghề bác sĩ vốn đã cực rồi, phụ nữ làm bác sĩ càng cực hơn nữa, chuyện con cái rồi chuyện nhà cửa vây quanh, vì vậy BS Thanh cảm thấy may mắn khi được gia đình hậu thuẫn, đặc biệt là người bạn đời bên cạnh: “Anh Trung cũng là bác sĩ nên hiểu công việc của tôi luôn căng thẳng, làm trưởng khoa thì trách nhiệm rất nhiều, luôn đảm nhận những ca nặng hay tham gia hội chẩn…”

Giai đoạn “bác sĩ vợ” bận học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 thì “bác sĩ chồng” luôn tìm cách giảm bớt việc nhà cho bà xã, có lúc còn ngăn các con quấy rầy mẹ vào buổi tối sau giờ cơm. BS Thanh phải “đấu tranh” với ông xã: “Em ôm con, hôn con là nhu cầu của em, phải vui em mới học được”.

Với chị, mái ấm gia đình không thể thiếu những nụ hôn. Sinh trưởng trong một gia đình có lối sống theo phương tây nên việc bày tỏ tình cảm qua những cái ôm, nụ hôn hay nắm tay là hết sức bình thường.

Với BS Thanh, mái ấm gia đình không thể thiếu những nụ hôn (ảnh tư liệu năm 1994).
BS Thanh khiêu vũ cùng ông xã

Ngày đó, cô nữ sinh trường Pháp Marie Curie “hổng biết tại sao” anh chàng Trung này phải lòng rồi theo mình suốt nhiều năm. Sau khi cưới, chị vẫn băn khoăn cuộc hôn nhân có suôn sẻ hay không, vì phong cách của 2 bên gia đình khác nhau quá.

Nhưng có lẽ vì yêu nhau củ ấu cũng tròn, tổ ấm ấy đã vững bền qua gần 4 thập kỷ, còn có thêm một nữ ca sĩ tài năng và một bác sĩ trẻ tuổi cũng theo nhi khoa như mẹ.

Tôi vẫn nói với con trai: Mẹ là bác sĩ, con cũng là bác sĩ nên có cơ hội tiếp cận chuyên môn tốt hơn nhưng con vẫn phải cố gắng. Dù phải học thêm mấy tháng mấy năm cũng không quan trọng, mà quan trọng là những điều con học được. Thấy con lăn lộn từ Nhi đồng 2 qua Nhi đồng Thành phố, đi làm xa, tua trực rất cực nhưng con vẫn vui vì được học nhiều, làm nhiều thì tôi rất mừng vì con tìm thấy đam mê với nghề”.

BS Thanh và BS Trung trong chuyến khám bệnh từ thiện cho trẻ em Tây Nguyên

Bây giờ đã về hưu nhưng BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh vẫn tham gia các hội thảo, khóa học để hiểu biết thêm. Chị không cho phép bản thân mình ngừng học vì dừng lại là sẽ thụt lùi so với sự phát triển của y khoa. Hơn nữa, còn có một lý do: “Tôi học nhiều thứ, mà học gì cũng mê, tôi thích làm mới mình qua việc học”.

Đó hẳn là bí quyết giúp chị luôn trẻ trung, tươi tắn, cộng thêm cá tính ngọt ngào của BS Thanh được nuôi dưỡng trong một gia đình không thiếu những nụ hôn. Để từ đó vị bác sĩ chuyên khoa nhi tiếp tục lan tỏa tình yêu thương đến những gia đình trẻ, tựa như viên kẹo giúp tinh thần hưng phấn trong cuộc đời trăm thứ phải lo toan.

Hồng Nhung, Ánh Phương – AloBacsiGioi.vn

Ảnh Viết Hưởng, Thiết kế: Hồng Nhung

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Phòng mạch của BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh

Địa chỉ: 515 Quang Trung Phường 10 Gò Vấp, TPHCM (Gần Nhà văn hóa Lao động quận Gò Vấp)

Điện thoại:  0903 733 230

Đặt khám:

  • Quý phụ huynh đặt hẹn khám bệnh qua youmed trước 16:30 hoặc đến lấy số tại phòng mạch.
  • Phòng mạch không nhận đặt hẹn qua điện thoại hoặc tin nhắn.

Thời gian khám: 

  • Thứ hai – thứ bảy: 17:30 – 20:00
  • Chủ nhật: sáng 08:00 – 11:00, chiều 17:00 – 19:30

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *