Nhận thấy các ông bố bà mẹ đang lặn ngụp giữa rừng thông tin mà không biết cái nào chính xác để áp dụng cho con em mình, BS.CK2 Nguyễn Trần Nam mong muốn cung cấp kiến thức y khoa dễ hiểu, dễ áp dụng với cộng đồng. Với vị Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đừng để mọi người bị bệnh mới là niềm vui của bác sĩ.
1. Phụ huynh “cô đơn” giữa rừng thông tin, thuốc mua dễ dàng – dùng dễ dãi
Mới đây, một bà mẹ rơm rớm nước mắt than với BS.CK2 Nguyễn Trần Nam: “Em đưa con đi khắp nơi, mỗi người nói một kiểu, mỗi nơi cho một loại thuốc, mỗi lần cho con uống thuốc em không biết có gây hại cho con mình hay không?”. Đó là sự hoang mang không chỉ của một bà mẹ mà là tình hình chung, rất nhiều phụ huynh đang trong tình cảnh này.
Kể cả những người chưa làm mẹ, đang chuẩn bị tâm thế và vốn kiến thức để khỏi lúng túng khi có con cũng lặn ngụp giữa rừng thông tin mà không biết cái nào chính xác.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhận định: “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ và mỗi lứa tuổi lại có những vấn đề khác nhau về bệnh lý, tâm sinh lý, dinh dưỡng, cách chăm sóc. Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, mọi người có thể tham khảo từ bất cứ nơi đâu nhưng chất lượng nguồn tin thì cần xem xét lại. Tôi thấy phụ huynh đang “cô đơn” giữa một rừng thông tin, và đây cũng là nỗi lo của mhững người làm nhi khoa”. Đó là vấn đề đầu tiên.
Thứ hai, việc tiếp cận thuốc men cũng có nhiều điều cần suy nghĩ. Ở nước ngoài quản lý thuốc chặt chẽ, người đi mua thuốc đều phải có toa và được tư vấn rất kỹ càng. Còn ở nước ta việc mua thuốc dễ dàng, sử dụng dễ dãi, dẫn đến những tác dụng phụ không tốt.
Thông tin chia sẻ giữa các cộng đồng phụ huynh rất nhanh và nhiều nhưng đâu phải bé nào cũng giống bé nào. Tình trạng mỗi bé khác nhau được dùng thuốc giống nhau thì quả là lợi bất cập hại. Việc sử dụng thuốc dễ dãi dẫn đến tỷ lệ đề kháng kháng sinh ở Việt Nam quá cao, sẽ nguy hiểm đến tính mạng em bé nếu bị nhiễm trùng nặng.
Thứ ba là với hệ thống y tế tập trung hiện nay, người dân đều muốn đi thẳng lên tuyến trên, các tuyến y tế cơ sở bị bỏ qua, khiến bệnh viện lớn quá tải. Dù lực lượng y bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng với tình trạng quá tải như thế, không thể cung cấp chất lượng phục vụ tốt nhất.
2. Cha mẹ mải lo cho trẻ nhỏ, trẻ bệnh mà lơ là chăm sóc trẻ lớn, trẻ khỏe
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tọa lạc ở cửa ngõ miền Tây, đón nhiều bệnh nhi từ khu vực này. BS.CK2 Nguyễn Trần Nam nhận thấy có 3 vấn đề lớn cần quan tâm: bệnh hô hấp, bệnh tiêu hóa và chăm sóc phát triển hằng ngày. Mà thật ra, đây cũng là những vấn đề chung cần quan tâm đối với trẻ em nhiều nơi khác.
Tác nhân gây bệnh hô hấp và tiêu hóa chủ yếu đi qua đường mũi họng, qua hoạt động hít thở, ăn uống. Các bệnh trẻ thường gặp là: Viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi; bệnh tiêu hóa thường gặp là nôn ói, tiêu chảy.
Các bệnh truyền nhiễm khiến trẻ phải đến bệnh viện là cảm cúm, sốt xuất huyết. Trong đó, tình hình bệnh sốt xuất huyết tại miền Trung và miền Tây đang căng thẳng. Năm nay (2022) số lượng mắc nhiều và tỷ lệ tử vong vượt qua kỷ lục cách đây hơn 20 năm nên công việc chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hỗ trợ các tỉnh đang tập trung vào bệnh này.
Vấn đề thứ ba là chăm sóc phát triển hằng ngày, BS Nam giải thích: “Đây không phải là một bệnh nhưng hầu hết chúng ta đang bỏ qua những lưu ý cho từng giai đoạn phát triển của trẻ em”.
Dễ nhận thấy là với trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) thì cha mẹ chăm từng li từng tí, nhưng sau 3 tuổi trẻ ít bị bệnh hơn khiến phụ huynh cũng lơ là, trong đó, lịch chích ngừa của trẻ trên 3 tuổi thường bị quên nhiều nhất.
Bên cạnh đó, như tâm tư của trẻ cũng cần được quan tâm để kịp thời phát hiện những rối loạn tâm sinh lý, nhất là những giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng tuổi lên 5, khủng hoảng tuổi vị thành niên…
“Nhiều phụ huynh không sâu sát tâm tư của trẻ bởi quan niệm “ai rồi cũng lớn”, nhưng mục tiêu chăm sóc trẻ không đơn giản là trẻ không bị bệnh, mà trẻ phải khỏe, có sức mạnh thể chất và tinh thần phù hợp lứa tuổi và đáp ứng với sự phát triển của xã hội” – đó là lý do BS Nam mong muốn những trẻ khỏe cũng cần được khám, xét nghiệm kiểm tra định kỳ.
Ngoài ra, thêm một vấn đề thời sự nữa là “món nợ miễn dịch”, hậu quả để lại của thời gian giãn cách kéo dài trong đại dịch COVID-19, nhiều mũi chích ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã bị bỏ qua và bỏ quên.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo: “‘Món nợ’ này phải được nhanh chóng thanh toán, trẻ cần chích ngừa bổ sung cho đủ mũi, nếu không, dịch này vừa đi qua, dịch khác lại kéo đến, dịch chồng dịch khiến chúng ta cản không kịp. Ví dụ rõ ràng nhất là đợt bùng phát bệnh sởi năm 2014 do nhiều trẻ không được chích ngừa bệnh này”.
3. Lắng nghe tiếng lòng người làm cha mẹ để truyền thông dễ hiểu
“Kẻ lạ mặt đầu tiên có tên là “Lao”. Đó là 1 tên điển trai, người thẳng cao, dáng thanh mảnh, nếu uống phải rượu Ziehl – Neelsen thì đổi màu thành đỏ tía. Hắn đến từ phương nào không rõ nhưng đã qua và tàn phá rất nhiều làng xóm từ rất lâu rồi. Hắn rất thích những khu vực nhiều không khí, do vậy khi vào làng hắn cứ nhắm đến khu vực phổi mà lưu trú, vì nơi ấy thoáng khí, lại nằm ngay khu vực cổng ra vào của làng…”
“Hắn có biệt danh “sát thủ trong hình hài trẻ thơ”. Đó là vì hắn vô cùng nhỏ bé, nhỏ hơn hơn rất nhiều so với tên Lao, vì hắn là virus cơ mà. Và cũng vì hắn lan truyền từ làng mẹ sang làng con là chủ yếu nữa. Hắn xâm nhập vào làng với số lượng rất ít, qua các vết thương nhỏ, hoặc chủ yếu qua mẹ – con. Hắn theo dòng nước đến trú tại khu phố gan, vì ở đó có món hắn khoái khẩu. Hắn đến gõ cửa nhà của khu phố gan ấy để xin tá túc”…
Có vẻ khó tin khi tác giả những bài viết y khoa sinh động về bệnh lao và viêm gan B ấy – BS.CK2 Nguyễn Trần Nam tự nhận: “Ngày xưa tôi học văn thường chỉ được 5-6 điểm thôi, văn không phải sở trường của tôi. Thời phổ thông theo khối A (toán, lý, hóa) khá là khô khan, sau này học y cũng không trau dồi môn văn”.
Thế nhưng khi tiếp xúc với người bệnh, BS Nam nhận thấy song song với việc điều trị còn cần phổ biến kiến thức cho họ, mà phải làm sao cho người ta tiếp cận dễ dàng nhất.
Ông rút ra từ trải nghiệm của bản thân: “Tôi cảm thấy học y rất khó. Tôi thường hỏi bạn trẻ bước vào ngành y “em có đủ kiên nhẫn hay không?”. Bản thân người học y đôi khi còn không nhớ được hết những kiến thức y khoa mênh mông mà khô cứng, vậy làm sao để nói với người dân trong vài câu mà họ nhớ được?”.
Cách mà BS.CK2 Nguyễn Trần Nam tiếp cận chăm sóc sức khỏe cộng đồng là đi vào từ cảm giác của người bệnh, của người làm cha, làm mẹ: “Hằng ngày phụ huynh đến với tôi đem theo những trăn trở của họ. Tôi lắng nghe và đặt mình vào vị trí của họ để đồng cảm, giải thích làm sao cho họ dễ áp dụng”.
Theo BS Nam, đây cũng là trách nhiệm của người làm ngành y đối với cộng đồng. Trong những chuyến công tác nước ngoài, thấy trẻ em được trang bị kiến thức về sức khỏe rất đầy đủ, các bé tự chăm sóc mình rất tốt, ông những mong hình ảnh ấy sớm được thấy tại Việt Nam.
“Ngày xưa tôi rất thần tượng BS Đỗ Hồng Ngọc, tôi đọc nhiều sách hướng dẫn bà mẹ nuôi con của ông. Tuy nhiên xu hướng đọc hiện nay đang giảm nên thay vì viết sách, tôi hướng tới một hình thức khác miễn sao cung cấp được kiến thức như những bài viết ngắn đăng trên zalo, facebook hay video clip trên các kênh youtube” – đó chính là lý do các phụ huynh dễ dàng “gặp” được BS Nguyễn Trần Nam trên kênh truyền thông của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, AloBacsi, VOH…
4. Ước mong bác sĩ Việt Nam vươn ra khỏi “ao nhà”
Học phổ thông chuyên lý, khối A nhưng đến khi thi đại học, Nguyễn Trần Nam vào trường y. Lúc học, ông rất thích mổ xẻ, suốt ngày đi phụ mổ nhưng đến khi tốt nghiệp lại theo nhi khoa. Giai đoạn nội trú học hồi sức nhi, du học cũng học hồi sức nhi nhưng sau đó lại chuyển sang chuyên khoa nhiễm từ 2011 đến nay. Đó là con đường zig zag mà giờ nhìn lại, BS Nam cũng không chắc là nghề chọn người hay người chọn nghề.
Trước giờ chưa từng nghĩ mình sẽ làm công tác quản lý, nhưng thấy rõ vị trí này có những tác động tích cực và cũng thuận lợi giúp cho đồng nghiệp trẻ nên BS Nam lại thêm 1 “nghề” nữa.
Với BS.CK2 Nguyễn Trần Nam, lãnh đạo là một nghề chứ không phải một vị trí. Bởi nếu là một vị trí thì khi đạt được vị trí đó rồi, sau đó sẽ không còn ý nghĩa gì nhiều, còn nếu là một nghề thì cần thêm những kỹ năng để tiếp tục thực hiện nghề đó, bao gồm cả kỹ năng cứng hay mềm. Do đó phải luôn học hỏi, có thể qua các trường lớp hay từ công việc hằng ngày để trưởng thành hơn.
Người xưa nói: “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”, với BS.CK2 Nguyễn Trần Nam thì: có lên làm quản lý mới hiểu lòng lãnh đạo của mình. Đó là cảm nhận của ông khi kinh qua các chức vụ: Phó trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2, Trưởng khoa Nhiễm – Phụ trách kiêm nhiệm điều hành phòng Chỉ đạo tuyến bệnh viện Nhi đồng Thành phố, phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Thành phố…
Ông mỉm cười: “Đôi khi người lãnh đạo rất cô độc. Thỉnh thoảng tôi nói đùa là cả khoa rất đoàn kết bởi chỉ có một đối thủ chung là sếp mình”.
Một khoa hay một bệnh viện đều cần điều hành, tổ chức, sắp xếp công việc của các bên sao cho phù hợp. “Trước đây khi là một nhân viên bình thường, tầm nhìn chỉ loanh quanh trong phạm vi hoạt động của mình, đôi khi chúng ta thấy một số điều chưa hợp lý, vì sao khoa của mình/cá nhân mình không được ưu tiên… nhưng khi ở một tầm nhìn rộng hơn, mình phải cân nhắc đến lợi ích chung” – BS Nam chia sẻ.
Bên cạnh lợi ích chung của tập thể, Phó giám đốc Nguyễn Trần Nam cũng rất quan tâm đến sự phát triển của từng thành viên. Các đồng nghiệp nước ngoài đều công nhận tay nghề của bác sĩ Việt Nam rất vững vì có cơ hội thực hành lâm sàng hằng ngày rất tốt, số lượng bệnh nhân đông. Tuy nhiên bác sĩ Việt Nam vẫn chưa gặt hái nhiều thành công.
Ông trăn trở, bác sĩ ở nước ta quá bận rộn từ cuộc sống cá nhân đến các mối quan hệ giao tiếp nên khó tập trung, khó có bước tiến xa. Thêm nữa, nhiều khi cơm áo gạo tiền cũng ảnh hưởng đến việc phát triển chuyên môn.
Còn có một rào cản là sự kết nối giữa các cá nhân/đơn vị chưa thật sự chặt chẽ. Các đồng nghiệp nước ngoài xác định họ là những công dân toàn cầu, sẵn sàng đi qua các nước làm việc, công cụ để kết nối chính là ngoại ngữ. BS Nam khẳng định: “Chúng ta phải đầu tư cho ngoại ngữ, đặc biệt là những người làm khoa học phải trao đổi kiến thức, không được chỉ quanh quẩn “ao nhà”.
Là một người yêu thích cuộc sống bình yên “đôi khi ước mơ nhỏ nhoi có căn nhà trệt 5 gian, hoa nở quanh năm, xa xa thành phố tí là đủ” nhưng thực tế BS.CK2 Nguyễn Trần Nam lại bận “tối mặt” với lịch họp, hội nghị, công tác… Tuy vậy nếu được chọn lại, ông vẫn chọn ngành y vì thấy được giá trị của nghề này trong cuộc sống.
Thứ nữa, nghề y thật sự là một “nghệ thuật về khoa học”, bởi vì nếu khoa học có những công thức, quy trình, quỹ đạo cố định nhưng y khoa lại không như vậy, 100 bệnh nhân có thể 99 kiểu diễn tiến khác nhau.
“Các thầy ngày xưa dạy chúng tôi không chỉ nhìn căn bệnh mà phải nhìn người bệnh, vừa điều trị bệnh vừa điều trị người” – BS Nam kể – “Có những giai đoạn, bệnh nhân hồi phục là niềm vui của bác sĩ, nhưng về sau này, đừng để mọi người bệnh mới là niềm vui của bác sĩ. Chăm sóc sức khỏe bằng cách cung cấp những kiến thức để khi bị bệnh họ biết cách chăm sóc bản thân, đó là niềm vui của những người làm ngành y”.
Bài: Hồng Nhung – Thiết kế: Anh Thi – AloBacsiGioi.vn
Phòng khám chuyên khoa Nhi của bác sĩ Nguyễn Trần Nam
Địa chỉ: Số 71/12/2, đường Nguyễn Bắc, Phường 3, quận Tân Bình, TPHCM. Thời gian hoạt động:
Phòng khám chuyên khoa Nhi của bác sĩ Nguyễn Trần Nam có các dịch vụ khám và điều trị bệnh như sau:
|
- Từ khóa:
- Bác sĩ Nam
- Bác sĩ Nhi khoa
- BS.CK2 Nguyễn Trần Nam
- Nhi khoa
- Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố