BS Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, người chủ trì ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

BS Nguyễn Đặng Quỳnh Anh yêu thích câu chuyện cậu bé bị ung thư máu muốn đi ngược lên một thang cuốn đang đi xuống và đi xuống trên thang cuốn đang đi lên. Và thật sự chị cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã thành công đưa một bệnh nhân đa u tủy xương đi ngược chiều chiếc-thang-cuốn-cuộc-đời đang xuống dốc vì yếu đau, bệnh tật.

BS Nguyễn Đặng Quỳnh Anh: Nữ bác sĩ huyết học đưa người bệnh máu ác tính đi ngược chiều thang cuốn của cuộc đời

Ngược chiều thang cuốn

Có một cuốn sách nhan đề “Muốn sống”, kể về cậu bé 10 tuổi bị ung thư máu, những năm tháng cuối đời, cậu bé mơ ước có thể đi lên trên một thang cuốn đang đi xuống và đi xuống trên thang cuốn đang đi lên. Cuối cùng cậu bé đã làm được việc đó như một cách chống lại nghịch cảnh của cuộc đời.

Đó là cuốn sách yêu thích của BS Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, và điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu ác tính cũng là công việc hằng ngày của chị, một bác sĩ chuyên khoa Huyết học.

Trong năm 2022, cùng với các đồng nghiệp, bác sĩ Quỳnh Anh là bác sĩ điều trị chính thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Đó là một bệnh nhân nữ (56 tuổi). Bà được chẩn đoán đa u tủy xương thể IgA-Lambda giai đoạn III. Tại thời điểm nhập viện, tháng 8/2022, bệnh nhân đau nhiều, yếu 2 chân, không thể đi lại được, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân.

Sau khi điều trị với phác đồ VCD, bệnh nhân đáp ứng với hóa trị, hội đồng chuyên môn Huyết học của bệnh viện đã hội chẩn, quyết định tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bà.

Bệnh nhân được huy động và gạn tách tế bào gốc từ máu ngoại vi, truyền hóa chất liều cao và truyền lại túi tế bào gốc sau 24 giờ. Sau đó, bà được chăm sóc tích cực trong khu vực vô trùng – phòng ghép tế bào gốc tại khoa Nội 3 – Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Sau 14 ngày, bệnh nhân hồi phục tủy xương, các biến chứng khác liên quan tới hóa trị liều cao được kiểm soát, lui bệnh hoàn toàn. Tin vui làm nức lòng các y bác sĩ.

Đến nay, sau hơn 1 năm được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, sức khỏe bệnh nhân ổn định, bà có thể tự sinh hoạt, làm việc nhà,… Lần gần đây nhất là ngày 19/9/2023, bệnh nhân tái khám có kết quả xét nghiệm bình thường” – BS Nguyễn Đặng Quỳnh Anh vui mừng cho biết.

Bị bệnh máu ác tính, cuộc đời người bệnh tưởng như chỉ có chiều đi xuống, nhưng các bác sĩ huyết học đã dìu họ ngược chiều đi lên, với thành công của kỹ thuật ghép tế bào gốc. Đó chính là thành quả nỗ lực 10 năm của BS Quỳnh Anh và tập thể y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Thành quả 10 năm

Thời điểm Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc đầu tiên là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình, đó cũng là ước mơ của cả thầy và trò ngành Huyết học từ những ngày đầu thành lập bệnh viện” – BS Quỳnh Anh chia sẻ.

Để thực hiện ước mơ ấy, BS Nguyễn Đặng Quỳnh Anh được cử đi học ở những trung tâm lớn, sau khi được học tập với PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Toàn – người thầy đầu tiên của chị trong chuyên ngành Huyết học, cũng là người thầy lớn, là tấm gương làm việc nghiêm túc, hết lòng với bệnh nhân, học trò.

Từ bệ phóng đầu tiên là Đại học Y dược Huế, BS Quỳnh Anh lên đường vào Nam, tiếp tục tham gia nhiều khóa học sau đại học tại: Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM, rồi chị có chuyến xuất ngoại đến Trung tâm ung thư Kanagawa, Nhật Bản.

BS Quỳnh Anh học tập tại Trung tâm ung thư Kanagawa, Nhật Bản

Trở về Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, BS Quỳnh Anh áp dụng kiến thức được học tại các trung tâm huyết học lớn trong và ngoài nước, lên kế hoạch triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc.

Ghép tế bào gốc tạo máu đòi hỏi sự phối hợp nhiều bộ phận, khoa phòng: từ khoa Dược cung ứng thuốc, khoa Truyền máu tham gia gạn tách tế bào gốc và cung cấp chế phẩm máu để truyền cho bệnh nhân trong quá trình ghép, khoa Dinh dưỡng cung cấp các bữa ăn đủ dinh dưỡng, phù hợp cho bệnh nhân, đến khoa Lâm sàng trực tiếp điều trị và chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân trong suốt 2-3 tuần sau ghép với nhiều biến chứng nặng nề của hóa trị liều cao.

Quá trình ghép kéo dài, bệnh nhân và cả người chăm sóc phải ở trong khu vực cách ly, rất dễ căng thẳng tinh thần. Vì vậy, ca ghép chỉ có thể thành công khi có được sự hợp tác tốt từ bệnh nhân và sự chịu thương chịu khó của người nhà.

Chi phí ghép tế bào gốc khá cao cũng là trở ngại cho việc tiếp cận điều trị của bệnh nhân có chỉ định, bởi đa số là bà con đến từ những miền quê nghèo ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Thành công của ca ghép tế bào gốc đầu tiên chính là công lao, đóng góp của rất nhiều người, là cả một quá trình dài, nhiều khó khăn và thử thách.

Xem thêm: TS.BS Dương Đình Triết: Nội soi đến nơi khó nhất của khớp vai vì muốn bệnh nhân mau lành

Báo đáp quê hương

Lớn lên trong một gia đình có ba mẹ đều là bác sĩ, từ nhỏ, Nguyễn Đặng Quỳnh Anh đã nhiều lần theo ba mẹ đi trực ở bệnh viện. Cô bé dần quen với “mùi bệnh viện” và mặc định trong suy nghĩ “lớn lên mình sẽ làm bác sĩ”, dù ba mẹ ban đầu cũng phản đối vì sợ con gái làm nghề y sẽ cực.

Năm 2010, Quỳnh Anh tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế, đó cũng là thời điểm dự án xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (tên trước đây của bệnh viện) bắt đầu được triển khai và tuyển dụng bác sĩ.

Khi đó, PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Toàn, một trong những chuyên gia về Huyết học tại khu vực miền Trung, là phó giám đốc ban quản lý dự án. Trong thời gian học tại Đại học Y Dược Huế, PGS Toàn là người giảng dạy bộ môn Huyết học, đã truyền cảm hứng cho Quỳnh Anh niềm đam mê chuyên ngành này.

Sau 3 năm học tập tại TPHCM, chị vẫn lựa chọn trở về mảnh đất miền Trung nắng lắm bão nhiều: “Đà Nẵng là nơi mình sinh ra và lớn lên và luôn muốn gắn bó với nơi này. Mình đã lớn lên trong giai đoạn Đà Nẵng có nhiều đổi thay tốt đẹp, đã được thụ hưởng những chính sách đãi ngộ của thành phố nên luôn muốn trở về, cống hiến cho thành phố, cho người bệnh nơi đây”.

Người bệnh nơi đây còn chịu lắm thiệt thòi, muốn chạy chữa những bệnh nặng, bệnh khó, thường phải lặn lội đến các thành phố lớn. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng ra đời, bệnh nhân ung thư ở miền Trung đỡ cực. Người dân quê chẳng có gì nhiều, quý mến bác sĩ thì tặng con gà còn đang cục tác trong lồng, trái mít to hay cả buồng dừa.

Một ngày tất bật của BS Quỳnh Anh

Vừa là bác sĩ điều trị, vừa giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, khối lượng công việc của Quỳnh Anh đảm nhận trong một ngày không ít. Bên cạnh đó, trong thời gian hơn 10 năm công tác tại bệnh viện, bác sĩ Quỳnh Anh còn có 7 đề tài khoa học được công nhận, mang lại nhiều giá trị trong công tác khám chữa bệnh.

Chị tâm niệm: “Bác sĩ không phải chỉ cần sử dụng kiến thức mình đang có để cứu giúp cho người bệnh mà cần phải nghiên cứu và ứng dụng khoa học giúp người bệnh được sử dụng phương pháp điều trị tốt nhất”.

BS Quỳnh Anh tham dự Hội nghị Huyết học Hoa Kỳ – tổ chức tại Hà Nội. Bên cạnh là PGS.TS.BS. Huỳnh Nghĩa, trưởng bộ môn Huyết học, ĐH Y Dược TPHCM.

Sau thành công của ca ghép tế bào gốc đầu tiên, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiếp tục triển khai kỹ thuật này trở thành một phương pháp điều trị thường quy cho bệnh nhân. BS Quỳnh Anh tiếp tục theo sát từng diễn biến của bệnh nhân, không kể sớm tối hay ngày nghỉ.

Việc điều trị, việc quản lý, việc nghiên cứu bủa vây, thế nhưng mọi người xung quanh vẫn thấy một BS Quỳnh Anh vui vẻ, lạc quan, giản dị, có lẽ nhờ phương châm sống của chị: “Cứ sống hết mình cho ngày hôm nay, ngày mai luôn là một bí mật”.

Trong những bí mật của ngày mai ấy, chắc hẳn bao gồm khoa học về tế bào gốc vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Vẫn luôn cần thêm nhiều bác sĩ – nhà khoa học khai mở bí mật, biến những huyền thoại thành sự thật, đem lại phương thức điều trị mới cho nhiều căn bệnh nan y.

Món quà dễ thương của bệnh nhi tặng nữ bác sĩ xinh đẹp

Hồng Nhung – AloBacsi Giỏi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *