BS Trương Hữu Khanh: liều thuốc bình tâm cho cộng đồng thời COVID

Người ta gọi ông với nhiều biệt danh: bác sĩ mê con nít; hiệp sĩ chống dịch; kẻ “gàn dở” của ngành y; vị khắc tinh của vi trùng, vi khuẩn… Khi COVID-19 còn dai dẳng với nhiều biến thể, tiếp nối là nỗi lo về đậu mùa khỉ, cúm A… hàng ngàn người vẫn ngóng đợi ý kiến của BS Trương Hữu Khanh để biết thông tin gì thật sự cần lưu ý, và để được bình tâm, sáng suốt, hành động đúng.

Liều thuốc không viên bình tâm cho cộng đồng trong dịch bệnh

Suốt 30 năm trong ngành y, trải qua nhiều trận dịch bệnh lớn nhỏ, gần nhất là COVID-19, BS Trương Hữu Khanh hiểu được nỗi lo của người dân. Ông nhận định, số lượng bệnh nhân tử vong nhiều nguyên nhân chính không phải do COVID-19 mà là do quá sợ hãi, hoảng loạn: “Cuộc đời tôi làm nghề y đã thấu hiểu, người dân mình bệnh thì không quan trọng mà sự lo lắng còn lớn hơn cả bệnh”.

Có ngày BS Khanh tiếp nhận từ 500 -700 câu hỏi, giai đoạn cao điểm vọt lên gần 1.000. Chiếc điện thoại “cùi bắp” sạc không kịp, ông tương tác trên máy tính, mỗi ngày thức dậy từ 2-3 giờ sáng để trả lời câu hỏi trong các group facebook và liên tục livestream.

Cuộc đời tôi làm nghề y đã thấu hiểu, người dân mình bệnh thì không quan trọng mà sự lo lắng còn lớn hơn cả bệnh” – BS Trương Hữu Khanh

Dù là trong giai đoạn nào, dịch đang rình rập ngoài cửa ngõ, xuất hiện trong nước, lan ra cộng đồng, rồi rơi vào căng thẳng… những phát ngôn từ “hiệp sĩ chống dịch” có mái tóc xoăn giúp nhiều người bình tĩnh hơn, gạt bỏ lo lắng thái quá, nhìn rõ việc gì cần làm. Mỗi lần BS Khanh livestream, hàng ngàn người chăm chú theo dõi, để được nghe câu: “Alo alo, mọi người nghe rõ không? Bây giờ “nói dóc” chút nha. Bữa nay bàn về…”.

Tuy nhiên, dù đã làm mọi cách để giải đáp nhanh nhất cho cộng đồng nhưng trước lượng câu hỏi quá tải, có lúc cũng đành lực bất tòng tâm, ông chỉ lo những người không được trả lời sẽ làm sai và hi vọng họ nhận được tư vấn từ những tổng đài khác.Tuy nhiên, dù đã làm mọi cách để giải đáp nhanh nhất cho cộng đồng nhưng trước lượng câu hỏi quá tải, có lúc cũng đành lực bất tòng tâm, ông chỉ lo những người không được trả lời sẽ làm sai và hi vọng họ nhận được tư vấn từ những tổng đài khác.

“Ông này điên, ông này xạo, ông nào sao sao, cũng chả sao!”

Với cộng đồng và bệnh nhân, lời nói của BS Trương Hữu Khanh như liều thuốc bình tâm nhưng với công cuộc chống dịch của thành phố, những lời nói thẳng thắn của ông có lúc lại là “trung ngôn nghịch nhĩ”, không dễ nghe, thậm chí có lúc dường như đi ngược với cơ quan chức năng.

Chẳng hạn khi biến thể Delta xuất hiện, quyết sách của thành phố và ngành y tế là dùng xét nghiệm PCR để truy vết, khoanh vùng ca bệnh đã không theo kịp được tốc độ lây lan của dịch bệnh. BS Khanh góp ý cần thực hiện test nhanh cho cộng đồng, đừng để người dân phải đến bệnh viện test PCR để tránh nguy cơ lây nhiễm, nhưng phải khá lâu sau đó thành phố mới quyết định thay đổi.

BS Trương Hữu Khanh từng lên tiếng phản đối việc đo huyết áp một cách không cần thiết vì sẽ làm chậm tiến độ chích ngừa COVID-19. Cuối tháng 9/2021, BS Khanh đã sớm tham mưu cho lãnh đạo thành phố mở cửa để phát triển kinh tế – xã hội vì ông nhận thấy dấu hiệu giảm mạnh của dịch COVID-19 đã khá rõ. Ông cũng là một trong số ít chuyên gia dám nói thẳng về những giai đoạn mà nỗ lực chống dịch thất bại, để cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm.

BS Trương Hữu Khanh phát biểu tại hội thảo “Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19” do báo Tiền phong tổ chức tháng 11/2021BS Trương Hữu Khanh phát biểu tại hội thảo “Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19” do báo Tiền phong tổ chức tháng 11/2021

Có đàn em nói anh Khanh ơi, bớt nóng khi tranh luận. Đâu có gì mới! (Tôi) hồi nào giờ vẫn vậy nóng cho chuyện chung, cướp lời cho chuyện chung, cướp lời khi họ nói dài dòng quá. Có lần bàn với đối tác nước ngoài, (tôi) đã phải nói “không cãi, vì tôi chưa thấy ai cãi lại tôi cả!” vậy mà hiệu quả, đỡ mất thời gian.

Cũng đàn em nhắc, đừng buồn anh ơi, có nhiều lời bình luận về anh hơi quá. Ăn thua gì, không nhằm nhò gì, nói ông này điên, ông này xạo, ông nào sao sao, cũng chả sao! Hồi nào giờ vẫn vậy. Nhớ hồi chưa biết bệnh tay chân miệng cũng có người nói BS Khanh và Bệnh viện Nhi đồng 1 xạo, chế ra, mà có sao đâu…” – BS Khanh nhớ lại.

Khắc tinh của vi trùng, vi khuẩn gây bệnh tại Việt Nam

Trên các group, các kênh tư vấn sức khỏe, những lời tri ân gửi đến BS Trương Hữu Khanh không ngớt, có người gửi quà quê từ tận miền Trung vào, có người đòi vào Sài Gòn để được thấy mặt bác sĩ Khanh Nhiều người tôn vinh, xưng tụng BS Trương Hữu Khanh là vị anh hùng trong đại dịch.

Nhưng BS Khanh đơn giản chỉ là: “Tôi là bác sĩ, tôi chỉ cố gắng vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình để làm tất cả những gì có thể với mục tiêu duy nhất là bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, bảo vệ sự an toàn của cộng đồng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình làm để nổi tiếng hoặc được người khác phong là người hùng hay ưu tú gì cả. Tôi đâu phải giáo sư, tiến sĩ hay nhà khoa học gì, tôi chỉ là một bác sĩ thấy việc cần thì làm thôi”.

Không là giáo sư, tiến sĩ hay nhà khoa học là bởi không thích bằng cấp, không màng danh lợi, chứ điểm lại những công trình đã nghiên cứu, những việc BS Trương Hữu Khanh đã làm, cũng dễ hiểu vì sao ông luôn được đồng nghiệp trân trọng, học trò kính phục.

Sở dĩ có danh hiệu “hiệp sĩ chống dịch” bởi BS Khanh là người đi tiên phong trong việc xây dựng phác đồ điều trị tay chân miệng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, giúp hàng nghìn trẻ mắc bệnh ở cấp độ nặng, biến chứng được cứu sống. Cuốn sách Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng cộng đồng với bệnh tay chân miệng của BS Khanh được các đồng nghiệp WHO khen ngợi và nể phục.Sở dĩ có danh hiệu “hiệp sĩ chống dịch” bởi BS Khanh là người đi tiên phong trong việc xây dựng phác đồ điều trị tay chân miệng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, giúp hàng nghìn trẻ mắc bệnh ở cấp độ nặng, biến chứng được cứu sống. Cuốn sách Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng cộng đồng với bệnh tay chân miệng của BS Khanh được các đồng nghiệp WHO khen ngợi và nể phục.

Còn với cộng đồng, BS Khanh là vị “khắc tinh” của vi trùng, vi khuẩn gây bệnh tại Việt Nam, nhất là trong đại dịch COVID-19, lời khuyên về phòng cách chống dịch bệnh dễ hiểu mà hiệu quả của ông được chia sẻ rộng rãi. Những kiến thức về tác nhân gây bệnh, cách phòng tránh, hiệu quả của vắc xin, đáp ứng miễn dịch… trở nên giản dị hơn qua cách giải thích của BS Khanh.

Tôi là bác sĩ, tôi chỉ cố gắng vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình để làm tất cả những gì có thể với mục tiêu duy nhất là bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, bảo vệ sự an toàn của cộng đồng” – BS Trương Hữu Khanh

Có lẽ chính BS Khanh cũng không nghĩ đến lựa chọn khi xưa đã đưa đến những kết quả, thành tựu to lớn như vậy, bởi khi ấy: “Tôi chọn bệnh Nhiễm vì bệnh này chữa được. Cao huyết áp đâu có chữa hết được đâu, còn vi khuẩn, vi trùng uống thuốc vô là nó chết hết. Hồi đó mới học xong như vậy nên chỉ biết vậy, thế là chọn vậy luôn”.

BS Trương Hữu Khanh quê gốc Huế, sinh ra và lớn lên ở Hóc Môn, thời sinh viên, mỗi lần bạn bè đến nhà chơi là phải đi cả 2 tiếng đồng hồ từ trung tâm thành phố bởi giao thông khi ấy chưa thuận tiện như bây giờ.

Trương Hữu Khanh trong mắt bạn bè là chàng trai có bề ngoài nghiêm nghị nhưng chân thành, tốt bụng. Khanh ít nói, nhưng nói ra câu nào là ấn tượng câu đó, nhiều lúc khiến cả nhóm cười xòa. Các bạn đồng môn cũng không ngờ anh chàng tính khí “tưng tửng” vậy mà lại cưa đổ được cô bạn sinh viên nha khoa tính cách nhẹ nhàng, ra trường kết hôn luôn.

BS Trương Hữu Khanh thời sinh viên - ảnh tư liệuBS Trương Hữu Khanh thời sinh viên – ảnh tư liệu

Nhiều năm sau này, ông đếm: “Vợ chồng tôi chưa bao giờ cãi nhau quá 3 lần, và mỗi lần không giận quá 2 tiếng”. Và bà cũng là người duy nhất ông nhờ cắt tóc cho mình, bởi không khi nào ông ra tiệm. Mà cắt theo đúng ý ông là cắt cho đến ngắn ngủn, để đỡ phải làm nhiều lần.

Vị bác sĩ mê con nít, không sinh con nhưng thấu hiểu con trẻ hơn cả đấng sinh thành

Sau nhiều năm gắn bó với khoa Nhiễm nhi và giữ cương vị Trưởng khoa tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, tham gia nghiên cứu và chữa trị rất nhiều căn bệnh, đạt được vô số thành tựu nổi bật, nhưng ám ảnh BS Khanh nhất là những bệnh nhi không cứu được, có những đứa mới sáng vào viện còn tỉnh táo, nói chuyện, tới tối đã nguội lạnh rồi.

Đó là giai đoạn những năm 1990, truyền thông sức khỏe tại Việt Nam còn yếu kém, cha mẹ chưa hiểu biết về bệnh, trẻ tới viện hầu hết đều bệnh nặng, nhiều bé mất vì những căn bệnh hết sức bình thường.

Năm 2002, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là nơi phát hiện ra ca nhiễm tay chân miệng đầu tiên tại Việt Nam. Lúc đó, các bác sĩ đều không biết đó là bệnh gì mà khiến trẻ em nhập viện và chết rất nhanh. “Thậm chí, ngay trong giới y khoa cũng bắt đầu nghi ngờ nhau. Họ nói làm gì có thứ bệnh kỳ lạ đó. Mãi cho đến năm 2004 và 2011, tay chân miệng bùng phát lần nữa, mọi người mới công nhận những điều tôi nói là đúng và sử dụng phác đồ điều trị mà tôi xây dựng trong 2 năm”.

Nhưng nỗi đau trong lòng vị bác sĩ mê con nít mãi không nguôi, 30 năm rồi vẫn nhớ như in khuôn mặt hàng nghìn đứa trẻ trước lúc chúng mất, bố mẹ chúng gào khóc tuyệt vọng thế nào… Cũng vì vậy mà từ rất lâu, chỉ 2-3 năm sau khi làm việc ở bệnh viện, BS Khanh quyết định không sinh con, bởi ông sợ phải đối diện với sự ra đi của người thân, sợ sinh con ra liệu nó có bất trắc không, không biết trước được mình sẽ dành tình cảm cho con nhiều đến mức nào…

Những bài văn miêu tả BS Trương Hữu Khanh của các bệnh nhiNhững bài văn miêu tả BS Trương Hữu Khanh của các bệnh nhi

Dù không có con nhưng BS Khanh thấu hiểu con trẻ hơn cả đấng sinh thành ra chúng. Một bà mẹ lo lắng: “Bác ơi, không biết sao mà con của em cả ngày ăn ngủ bình thường, mà sáng ra chuẩn bị đi học lại hay bị đau bụng?”. Câu trả lời của BS Khanh: “Coi chừng có chuyện gì ở lớp khiến nó không muốn đi học”, chỉ có thể là người tường tận cả tâm sinh lý của con trẻ mới nghĩ ra thôi.

Suốt 25 năm, thay vì hết giờ làm sẽ tới phòng khám tư ở nội thành, BS Trương Hữu Khanh lại lựa chọn về Hóc Môn khám bệnh cho con em các hộ nghèo chỉ với 15 ngàn đồng. Sau này, khi số lượng phòng mạch mở ra nhiều, trẻ dễ dàng đi khám bệnh, ông quyết định đóng cửa. Thay vào đó, mở một phòng mạch trực tuyến trên facebook với tên gọi Hỏi bác sĩ Nhi đồng do chính ông quản lý, tư vấn sức khỏe trẻ em.

Những câu trả lời ngắn ngủn nhưng đúng trọng tâm: “được”, “tái khám”, “chả sao”, “vài bữa sẽ hết”… rất Trương Hữu Khanh giúp các cha mẹ trẻ đang bối rối lập tức yên lòng; những toa thuốc rẻ đến mức nhà thuốc không muốn bán mà lại giúp đứa trẻ khỏi luôn trong khi khám nơi khác dùng thuốc tiền triệu không hết. Hỏi có chiêu gì? Liệu có chiêu gì ngoài chiêu hết lòng hết sức vì con nít? Chắc là không.

Công việc ở bệnh viện, công việc trên group – fanpage, rồi giảng dạy, nghiên cứu, đi các tỉnh nói chuyện… để hoàn thành chừng ấy, BS Trương Hữu Khanh có thói quen làm một lúc 2-3 việc, thậm chí hôm nào có trận bóng đá yêu thích thì ông vừa thức xem vừa trả lời câu hỏi của mọi người. Có lẽ khoảnh khắc thảnh thơi nhất là lúc ông ngắm nghía, chăm chút mấy giò lan mà ông sưu tầm hay được tặng.

Mãi cho tới tuổi nghỉ hưu, học vị của BS Trương Hữu Khanh vẫn là cử nhân. Bao nhiêu bằng khen, danh hiệu, huân chương ông gửi về quê để ba má biết những gì mình làm. Đi lại bằng xe buýt, trong túi không biết có bao nhiêu tiền, không rõ tài sản mình có gì… nhưng ông khẳng định “Tôi giàu lắm”. Hẳn là những người quen biết, mến mộ vị bác sĩ mê con nít này cũng đồng ý như vậy.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh là chuyên gia dịch tễ học, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM.

Chuyên khoa: Khoa Thần kinh, Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi

  • Bác sĩ Trương Hữu Khanh tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1988.
  • Từ năm 1996, ông giữ cương vị trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM.
  • Năm 2021: Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM
  • Thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia
  • Cố vấn chuyên môn Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh được mệnh danh là “Hiệp sĩ tiên phong” trong phong trào phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Viêm não, lao, HIV/AIDS, sởi…
Với những đóng góp to lớn cho Y học nước nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh vinh dự nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” do Chủ tịch nước trao tặng.

Hồng Nhung – AlobacsiGioi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *