GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính – Phó chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam

Mục lục

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính – Phó chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, người góp công lớn trong việc xây dựng Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có buổi chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề với Kênh truyền thông sức khỏe AloBacsi.

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính - Phó chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, Nguyên giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức
GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính – Phó chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, Nguyên giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức

Cùng với sự phát triển của ngoại khoa, ngành Gây mê hồi sức đã được quan tâm nhiều hơn những thập niên gần đây. Còn ở thời điểm giáo sư chọn theo chuyên ngành này, đó là một lựa chọn dễ dàng hay khó khăn?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Gây mê hồi sức đúng là một lĩnh vực rất quan trọng liên quan đến ngoại khoa nhưng thật ra đây là một chuyên ngành riêng liên quan đến rất nhiều chuyên khoa khác, ví dụ: gây mê hồi sức cho nội soi, cho chụp X-quang, cho rất nhiều can thiệp khác… đều không phải ngoại khoa. Như vậy gây mê hồi sức là một ngành giữa nội khoa và ngoại khoa. Chúng tôi vẫn gọi bác sĩ gây mê hồi sức là “bác sĩ nội khoa trong môi trường ngoại khoa”.

Tôi ra trường cách đây hơn 30 năm, được phân công theo chuyên ngành này. Mới đầu tôi cũng chưa hiểu về gây mê hồi sức nhưng càng đi sâu càng gắn bó với nghề hơn. Nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề nhưng tôi thấy sự phân công khi ấy là may mắn vì nghề này hợp với mình.

Trong quá trình học tập, những vị nào là người thầy và đàn anh đã truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm cho giáo sư, mà đến giờ ông vẫn nhớ về họ?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Khóa của chúng tôi là khóa đầu tiên về gây mê hồi sức được tổ chức chính quy của Trường Đại học Y Hà Nội. Thời gian đó chúng tôi học ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với GS Tôn Thất Tùng – Giám đốc của bệnh viện.

Trong các buổi giao ban, thầy Tôn Thất Tùng đưa ra những kiến thức chung về ngoại khoa và gây mê hồi sức cho chúng tôi. Thầy cũng rất quan tâm đến các bác sĩ nội trú, từ nơi ăn chốn ở cho đến những điều kiện học tập, làm việc cho chúng tôi.

Người thầy trực tiếp hướng dẫn là GS Tôn Đức Lang, truyền đạt cho chúng tôi kiến thức và cả y đức của thầy. Thầy Tôn Đức Lang tổ chức những buổi sinh hoạt khoa học, kiểm tra kiến thức và uốn nắn chúng tôi từng vấn đề từ lý thuyết đến thực hành. Hiện tại chúng tôi có hội trường Tôn Đức Lang để nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ đến thầy.

Điểm lại sự nghiệp của mình, xin giáo sư cho biết có những cột mốc nào đáng nhớ?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Từ khi bước chân vào ngành y, ban đầu tôi chọn trường khác nhưng sau rồi vẫn đến với ngành y. Năm 1975, khi tôi thi vào đại học được điểm rất cao của khối B vào năm đó và được tiêu chuẩn đi nước ngoài nhưng tôi chọn học ở trong nước để theo ngành y, thay vì đi nước ngoài theo ngành chăn nuôi.

Trước khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội thì tôi thi bác sĩ nội trú (1980). 1981 được lệnh tổng động viên, nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường K, làm bác sĩ quân y về gây mê hồi sức. Sau 4 năm, tôi xuất ngũ về trường và tiếp tục chương trình nội trú.

Kết thúc 3 năm nội trú, năm 1987 tôi làm việc tại Bệnh viện Việt Đức. Trong quá trình đó, tôi được đào tạo 3 năm tại Pháp và một số nước khác về chuyên ngành Gây mê hồi sức.

Giáo sư có thể kể lại một số kỷ niệm đáng nhớ những năm 70-80, khi còn là sinh viên y?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Tôi vào trường năm 1975, trong giai đoạn đất nước còn kham khổ, bụng lúc nào cũng đói. Buổi sáng chỉ được một chiếc bánh mì, mặc dù ăn bánh mì khô khan nhưng vẫn thấy rất ngon.

Hầu như tháng nào tôi cũng ghé y tế cơ quan để xin thuốc ho bổ phế mặc dù không bị ho, bởi vì trong thuốc ho bổ phế có mật ong để chấm bánh mì. Những câu chuyện này kể lại chắc là các em sinh viên ngày nay khó mà tưởng tượng.

Đói mà vẫn phải học, thời ấy chúng tôi có câu thơ: “Suốt ngày nấu sử sôi kinh, kinh sôi thì cái bụng mình cũng sôi. Kinh sôi kinh bốc thành hơi, bụng sôi bụng bốc ra mùi cũng kinh”.

Giáo sư có thể chia sẻ về những ca phẫu thuật mà ông tham gia, để lại ấn tượng sâu đậm trong sự nghiệp của mình?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Tôi tham gia rất nhiều ca mổ nhưng ấn tượng nhất là những ca mổ thay đổi cả trình độ khoa học như: ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép phổi…, đặc biệt là những ca thực hiện trên bệnh nhân chết não.

Ghép tạng là một thế mạnh của ngoại khoa và gây mê hồi sức tại Bệnh viện Việt Đức bởi vì đây là những kỹ thuật rất khó, nhiều khi chúng tôi không có thời gian trao đổi với chuyên gia nước ngoài mà tự mày mò, nghiên cứu và thực hiện thành công.

Qua quá trình làm việc, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, liên kết với nước ngoài… Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa đã gặt hái nhiều thành tựu, được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Ngày 29/9/2018, GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính gặp gỡ và trao đổi với toàn thể đội ngũ bác sĩ bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng. Ngày 20/4/2021 Giáo sư tham gia họp Hội đồng thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo liên tục năm 2021: “Giảm đau trong đẻ bằng gây tê ngoài màng cứng”, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Ngày 27/4/2022 Giáo sư tham gia tổ chức Hội thảo “Tầm quan trọng của theo dõi bão hòa oxy nhu mô não, độ sâu gây mê, nồng độ oxy dự trữ và huyết động trong phòng mổ” cùng các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 29/9/2018, GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính gặp gỡ và trao đổi với toàn thể đội ngũ bác sĩ bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng. Ngày 20/4/2021 Giáo sư tham gia họp Hội đồng thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo liên tục năm 2021: “Giảm đau trong đẻ bằng gây tê ngoài màng cứng”, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Ngày 27/4/2022 Giáo sư tham gia tổ chức Hội thảo “Tầm quan trọng của theo dõi bão hòa oxy nhu mô não, độ sâu gây mê, nồng độ oxy dự trữ và huyết động trong phòng mổ” cùng các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Công trình nghiên cứu “Ghép tạng từ người cho chết não” mà Bệnh viện Việt Đức thực hiện là một trong những thành công rực rỡ của GS Nguyễn Quốc Kính và đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện. Xin giáo sư chia sẻ đôi nét về công trình này?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Từ rất lâu rồi, GS Tôn Thất Tùng và GS Tôn Đức Lang đã nghĩ về việc ghép tạng và cử người đi học về các vấn đề liên quan nhưng thời gian đó hoàn cảnh chưa cho phép thực hiện. Mãi sau này mới có luật về hiến tạng, hiến mô của Quốc hội, sau đó Bệnh viện Việt Đức mới triển khai, áp dụng được.

Có rất nhiều khó khăn khi ghép tạng từ người cho chết não. Một trong số đó là thuyết phục người nhà bệnh nhân đồng ý hiến tạng và Bệnh viện Việt Đức đang từng bước khắc phục khó khăn này, tuy là chưa nhiều so với số lượng bệnh nhân chết não nhưng cũng là một bước tiến đáng ghi nhận.

Công việc đánh giá chính xác bệnh nhân thật sự đã chết não rồi hay chưa cũng hết sức quan trọng. Bệnh nhân đồng ý hiến tạng thì phải làm sao để giữ cho tạng đó không bị hỏng.

Và quá trình gây mê hồi sức cho cả người hiến tạng chết não và người nhận tạng sao cho an toàn và hiệu quả cũng là một thách thức với chúng tôi.

Hiện tại, giáo sư đang nghiên cứu công trình gì, hay theo đuổi công việc gì trong thời gian nghỉ hưu?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Sở thích thời trẻ của tôi là được đi đây đi đó, cầu lông, đá bóng, đôi lúc ngồi trà nước, uống rượu với nhau. Còn bây giờ nghỉ hưu, thỉnh thoảng chúng tôi tập hợp những bạn bè hồi còn đi bộ đội, ôn chuyện ngày xưa, chắc đây là sở thích của người già.

Tính tôi ngồi một chỗ không chịu được, phải tìm việc gì đó để làm, hoặc là với bệnh nhân, hoặc là với nghiên cứu. Khi chưa nghỉ hưu thì 2 ngày nghỉ cuối tuần tôi nghỉ hoàn toàn 1 ngày, 1 ngày vẫn tranh thủ làm việc.

Đến nay tôi đã hướng dẫn khoảng 60-70 luận văn thạc sĩ cao học, hướng dẫn hơn 12 nghiên cứu sinh. Mỗi đề tài cao học và nghiên cứu sinh là rất nhiều vấn đề hay được đề cập trong đó, cũng có những nghiên cứu về ghép tạng và gây mê hồi sức.

Ngoài ra, tôi đang chủ trì 4-5 đề tài cấp bộ, liên kết với những đề tài nhánh khác của Bệnh viện Việt Đức và các nơi khác, trực tiếp chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về những tiến bộ của gây mê hồi sức.

thầy kính gây mê

BS gây mê hồi sức được ví như “người đưa đò” cho các ca phẫu thuật, “nổi tiếng chứ không nổi hình”, bệnh nhân ít biết đến mình, khó làm phòng mạch để có thêm thu nhập. Theo giáo sư, điều này có phải là thiệt thòi so với chuyên ngành khác không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Thật ra chúng tôi không nghĩ đó là thiệt thòi. Chúng tôi quan niệm giá trị của mình là một phân số, cái mà mình đóng góp thật sự là tử số, cái mà người khác nhìn nhận và đánh giá mình là mẫu số. Nếu mẫu số càng to thì phân số càng nhỏ.

Do đó, không quan trọng việc người ta biết đến nhiều hay không mà quan trọng ở chỗ mình phục vụ, cống hiến như thế nào. Chính vì vậy mà gây mê hồi sức ngày nay đã có được tiếng nói chung và mọi người cũng hiểu nhiều về ngành này.

Chẳng hạn mùa COVID-19 vừa rồi ở nước ngoài, bác sĩ gây mê hồi sức là những người đầu tiên có những công trình nghiên cứu về bệnh này. Trên báo chí hiện nay, khi có những ca mổ thành công hay thất bại, người ta cũng chú ý đến vai trò của gây mê hồi sức.

Có người hỏi, trong cuộc mổ, gây mê hồi sức đóng vai trò bao nhiêu phần trăm, 20%, 30% hay 50%? Chúng tôi không biết bao nhiêu, chỉ biết là có 100% sức lực của mình đưa vào đó. Và các bác sĩ phẫu thuật hay bộ phận liên quan khác cũng đều góp 100% sức lực của họ. Tất cả đều dốc sức 100% để ca mổ thành công.

Vấn đề “nổi tiếng chứ không nổi hình” thì cũng không hoàn toàn như thế. Cùng là gây mê hồi sức nhưng trong miền Nam hoặc trong quân đội được xếp vào bác sĩ nội khoa, được làm phòng mạch. Còn ở miền Bắc bác sĩ gây mê hồi sức không được xếp vào nội khoa, không làm phòng mạch nhưng họ cũng còn các vai trò khác, ngoài giờ làm việc có thể làm thêm ở các bệnh viện công và bệnh viện tư.

Hiện nay, nhu cầu bác sĩ gây mê hồi sức rất nhiều, đứng thứ nhất – nhì – ba trong nguyện vọng của sinh viên trường y, ra trường là có nơi nhận ngay. Ở nước ngoài, gây mê hồi sức là một trong 2 nhóm bác sĩ có thu nhập cao nhất.

Giáo sư có kỳ vọng gì với sự phát triển của chuyên ngành gây mê hồi sức của Việt Nam trong tương lai?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Trong thời gian tới, chúng tôi hi vọng ngành Gây mê hồi sức được đánh giá cao hơn, được chú ý nhiều hơn ở các bệnh viện không phải tuyến đầu. Hiện nay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, vai trò của gây mê hồi sức chưa được đánh giá cao và đầu tư nhiều. Chính vì thế vấn đề an toàn của bệnh nhân và chất lượng điều trị sẽ chưa được hoàn hảo.

Chúng tôi cũng hi vọng nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn về vấn đề đào tạo chính quy đội ngũ gây mê hồi sức, đồng thời cải thiện mức thu nhập để các bác sĩ gây mê hồi sức yên tâm làm việc, gắn bó với nghề.

Nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò quý mến và gọi giáo sư là “thầy Kính gây mê”. Là người đi trước và đã có thành tựu trong nghề, thầy Kính gây mê có tâm niệm gì muốn chia sẻ với các bác sĩ trẻ?

GS.TS.BS Nguyễn Quốc Kính: Tôi muốn nhắn nhủ các bạn hãy tự tin và luôn luôn độc lập trong suy nghĩ, đào sâu suy nghĩ trong công việc và nghiên cứu.

Tôi nhớ câu nói của một tác giả nước ngoài, được dịch ra và nhiều trường treo câu này: “Đừng đi trước tôi, tôi có thể sẽ không theo. Đừng đi sau tôi, tôi có thể sẽ không dẫn lối. Hãy đi bên cạnh và trở thành bạn của tôi”. Rất mong các bác sĩ trẻ cũng có được tinh thần này.

Xin cảm ơn giáo sư!

Hồng Nhung – Lê Bình, AloBacsiGioi.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *