Kháng đông có rất nhiều lợi ích phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt trên các bệnh nhân rung nhĩ. Tuy nhiên vấn đề lựa chọn thuốc kháng đông nào, thời điểm nào luôn là câu hỏi đặt ra với các bác sĩ. Các chuyên gia đến với Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022 đã thảo luận tìm ra phương án tốt cho những ca bệnh này.
Sau ngày thứ nhất với 8 phiên kéo dài trong suốt 9 giờ đồng hồ, Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022 tiếp tục ngày thứ hai với 3 phiên: phiên chính, phiên hội thảo bàn tròn và phiên cuối. Trong đó, hội thảo bàn tròn “Điều trị kháng đông trên bệnh nhân rung nhĩ từ nghiên cứu cho đến thực tế lâm sàng” sôi nổi nhất vì các ca lâm sàng được đưa ra dù là trường hợp điển hình thường gặp hay ít gặp nhưng đều khiến các bác sĩ điều trị phải băn khoăn trong việc lựa chọn thuốc kháng đông cho bệnh nhân.
Ngày thứ hai của Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022 diễn ra vào sáng chủ nhật, 30/10
Kháng đông có rất nhiều lợi ích phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt trên các bệnh nhân rung nhĩ. Tuy nhiên vấn đề lựa chọn kháng đông nào, thời điểm nào luôn là câu hỏi đặt ra với các bác sĩ. Chủ tọa PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết: “Những chứng cứ mà chúng ta có được cho đến nay đôi khi không thỏa mãn được cho tất cả, lúc đó cần đến sự đồng thuận từ ý kiến các chuyên gia. Ý kiến chuyên gia là một ý kiến chung không thể so được với chứng cứ, tuy nhiên khi không có gì tốt hơn thì ý kiến chuyên gia là yếu tố khá quan trọng”.
Một trường hợp hay gặp: bệnh nhân nam đột quỵ cấp nhập viện vì liệt nửa người bên trái vào giờ thứ 2, ASPECTS trên CTscan 9 điểm, trên CTA đã có tắc động mạch não giữa đoạn M1. Bệnh nhân này được chuyển viện theo mô hình “drip and ship”, bệnh viện tuyến đầu đã sử dụng tPA và được Bệnh viện Nhân dân 115 tái thông bằng dụng cụ lấy huyết khối. Chụp CTscan ngày thứ 2 thì bệnh nhân có chuyển dạng xuất huyết ở bán cầu phải, mặc dù vậy về mặt lâm sàng, bệnh nhân có tiến triển tốt, sức cơ nửa người bên trái phục hồi từ 3-4/5, tỉnh táo hoàn toàn.
Đến ngày thứ 6 thì chuyển viện trở lại bệnh viện tuyến trước, chụp CT scan thấy máu đã hấp thu lại một phần. Câu hỏi đặt ra là dùng kháng đông vào thời điểm nào, ngày thứ 3 hay ngày thứ 7, chờ 2 tuần sau, chờ 4 tuần sau, hoặc chỉ dùng Aspirin?
Tuy nhiên ngày thứ 7 (đúng 1 ngày sau khi trở về tuyến trước) bệnh nhân bị nhồi máu não tái phát ở bán cầu bên trái. Trước đó đã có tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong, động mạch não giữa bên phải. Với tình hình mới là nhồi máu não diện rộng bán cầu bên trái thì có hình ảnh điển hình của nhồi máu não do rung nhĩ, nhồi máu não 2 bán cầu diện rộng vùng vỏ, và có song song cả xuất huyết và nhồi máu. Đó là câu chuyện 2 mặt trong 1 ca bệnh.
Câu hỏi nữa đặt ra, lúc này Diener’s Law có đáng tin cậy hơn các guideline không, vì guideline từ 2-14 ngày khó chọn chính xác ngày nào.
Chủ tọa TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM
Sau khi các chuyên gia tại hội thảo trao đổi thì vẫn có sự bất đồng thuận trong quyết định thời gian dùng thuốc. Điều đó cho thấy khi có những ca như vậy, hỏi chuyên gia không hẳn là phương án tốt nhất mà các bác sĩ nên tự quyết định dựa trên nguy cơ bệnh nhân tái phát như thế nào, có huyết khối buồng tim hay không để quyết định.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng lưu ý: “Chúng ta “học” trên bệnh nhân của mình khi theo dõi. Và dù bác sĩ đã có cho thuốc kháng đông hay chưa thì cũng phải theo dõi bệnh nhân chặt chẽ. Nếu chưa dùng thuốc kháng đông thì theo dõi bệnh nhân để nếu tái phát thì cứu bệnh nhân sớm nhất có thể. Còn nếu đã dùng thuốc kháng đông thì thận trọng, nếu có nguy cơ cao thì cân nhắc thuốc kháng đông liều thấp”.
Trường hợp thứ 2 là bà cụ 84 tuổi, nhập viện vì 1 đột quỵ nhẹ, CT scan gần như không có gì bất thường, tiền căn đột quỵ cách đây 1 năm, rung nhĩ, suy thận (độ lọc cầu thận dao động 30-40ml/phút). Câu hỏi đặt ra là nên dùng thuốc kháng đông nào cho bệnh nhân: kháng vitamin K, Apixaban, Rivaroxaban, Dabigatran, Edoxaban?
Câu trả lời là khi chọn bất cứ thuốc kháng đông nào trên bệnh nhân rung nhĩ thì NOACs luôn là lựa chọn tốt hơn kháng vitamin K vì hiệu quả phòng ngừa ngang bằng, trong khi đó NOACs làm giảm biến cố xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết nội sọ. Vì vậy nên cân nhắc NOACs cho bệnh nhân rung nhĩ nếu bệnh nhân đủ điều kiện. Còn với bệnh nhân không đủ điều kiện thì phải dùng thuốc kháng vitamin K, tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ chỉ số INR, không nên cho toa thuốc 3 tháng mới quay lại tái khám.
Các chuyên gia thảo luận sôi nổi tại phiên hội thảo bàn tròn
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân đột quỵ nhẹ do nhồi máu ở cuống não trái, có tiền căn bệnh lý mạch vành, cao huyết áp, tiểu đường, đang sử dụng Aspirin, hẹp động mạch cảnh trong bên phải 50% (hẹp không có triệu chứng, khuyến cáo điều trị nội khoa thay vì đặt stent), có rất nhiều mảng xơ vữa ở cung động mạch chủ. Như vậy đây là bệnh nhân đột quỵ có rất nhiều yếu tố nguy cơ. Vấn đề đặt ra là lựa chọn thuốc nào lâu dài cho bệnh nhân: tiếp tục dùng Aspirin, Aspirin + Rivaroxaban, Aspirin + Clopidogrel, Clopidogrel…
Ngoài ra, các chuyên gia còn thảo luận về những trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ lần thứ 3 – thứ 4 nên dùng thuốc gì, lựa chọn thuốc kháng đông cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, đặc biệt là những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, có nên bít tiểu nhĩ trái thay vì dùng kháng đông…
Đông đảo bác sĩ tham dự Hội thảo Đột quỵ TPHCM, được xem là hội nghị đột quỵ lớn nhất Việt Nam
ThS.BS Hồ Hữu Thật – Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện An Bình nhận định: “Thông thường, mỗi năm trên toàn thế giới có 3 hội nghị đột quỵ lớn nhất: Hội nghị Đột quỵ Thế giới, Hội nghị Đột quỵ châu Âu và Hội nghị Đột quỵ Hoa Kỳ. Trong đó, Hội nghị Đột quỵ Hoa Kỳ dù tên gọi là hội nghị của 1 quốc gia nhưng quy mô có lẽ lại là hội nghị đột quỵ lớn nhất lớn nhất.
Tại Việt Nam cũng vậy, Hội nghị Đột quỵ tại TPHCM, dù tên gọi thì giống như là của khu vực TPHCM và phía Nam nhưng thực tế lại là hội nghị đột quỵ lớn nhất lớn nhất cả nước.
Năm nay, cùng với nhiều bài báo cáo có tính chuyên môn cao của các chuyên gia đột quỵ hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam, theo tôi, lại có một phiên rất thú vị đó là phiên tiếng Anh của các nghiên cứu viên trẻ, mà phần nhiều là các bác sĩ nội trú thần kinh.
Hy vọng các năm tiếp theo ban tổ chức vẫn tiếp tục duy trì phiên này để truyền cảm hứng cho các bác sĩ nghiên cứu viên trẻ đầy tiềm năng của Việt Nam!”.
Đại diện ban tổ chức, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết đây là lần thứ 8 tổ chức hội nghị này: “Cả 8 lần đều để lại những cảm xúc lẫn lộn: mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng… và cuối cùng là niềm hạnh phúc, khi những cố gắng đã đem lại một chút lợi ích cho các đồng nghiệp.
Xin cảm ơn các đồng nghiệp đã đồng hành với chúng tôi trong suốt 8 năm qua.
Cảm ơn các báo cáo viên, các thầy cô chủ tọa đoàn đã chia sẻ những kiến thức quý báu”.
Các chuyên gia tề tựu trong ngày thứ hai của Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2022:
GS Hans-Christoph Diener (Đức) với bài “Sử dụng kháng đông sau đột quỵ cấp và xuất huyết não”
GS David S.Liebeskind (Mỹ) với bài “Vai trò hình ảnh học trong can thiệp nội mạch trên bệnh nhân nhồi máu não cấp”
GS Henry Ma (Úc) với bài báo cáo “Cập nhật về điều trị tiêu huyết khối và lấy huyết khối”
GS Mark Parsons (Úc) báo cáo 2 bài “Điều trị đột quỵ cấp với tenecteplase – tại sao chúng ta cần thêm nhiều dữ liệu hơn nữa?” và “Chăm sóc đột quỵ trước viện – hiện tại và tương lai”
GS Craig Anderson (Úc) với bài “Kiểm soát huyết áp tích cực sau can thiệp nội mạch trong nhồi máu não cấp”
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thành viên ban chủ tọa
Từ trái qua: TS Bernard Chan (Hong Kong), GS Henry Ma (Úc), GS Craig Anderson (Úc), PGS Nguyễn Huy Thắng (Việt Nam), GS Mark Parsons (Úc), GS David S.Liebeskind (Mỹ), TS Nguyễn Bá Thắng (Việt Nam)
Nguồn:Benhdotquy.net
- Từ khóa:
- Bệnh viện An Bình
- Điều trị kháng đông trên bệnh nhân rung nhĩ từ nghiên cứu cho đến thực tế lâm sàng
- Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022
- PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng
- ThS.BS Hồ Hữu Thật
- Trưởng khoa Nội thần kinh