Hình ảnh xưa cũ ông lang bắt mạch bốc thuốc dần lùi về dĩ vãng. Đông y sẽ hiện đại hóa, cùng phát triển mạnh mẽ với tây y và y học gia đình. Đó là hành trình lớn mà cây đại thụ ngành Y học cổ truyền PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay và các cộng sự đang dấn bước.
1. Người bác sĩ dẫu kiệt sức vẫn lo lắng cho bệnh nhân gọi nhỡ
Tháng 5/2022, trong dịp hội ngộ trực tiếp tại lễ “Tổng kết hoạt động và vinh danh thành tựu y khoa 2021 – Tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022” sau bao ngày chỉ gặp nhau qua tin nhắn hay màn hình máy tính, điện thoại, không ít đồng nghiệp bất ngờ với mái tóc bạch kim của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay – Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp. Cô dí dỏm khẳng định mình “mới chỉ” 70 tuổi thôi, vẫn còn sức cống hiến, còn làm được nhiều việc lắm.
Là một trong 18 người tham dự đầu tiên của tổng đài 1022 nhánh 3, PGS Bay có nhiều kỷ niệm khó quên về những tháng ngày Sài Gòn vật lộn với COVID-19. Hai tuần đầu khi tham gia trực tổng đài, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay thừa nhận: “Tôi đăng ký buổi sáng nhưng cả trưa, chiều, tối đều có cuộc gọi đến. Liên tục mấy ngày như vậy, tôi kiệt sức, tắt máy 3 tiếng. Lúc bật lại có đến hơn 70 cuộc gọi nhỡ”.
Dù đã dốc hết sức mình nhưng Cô mãi canh cánh trong lòng về 70 người không được giải đáp khi đó, vì hiểu rằng, mỗi cuộc gọi đều như chiếc phao cứu sinh. Sau này, khi tổng đài viên đã biết cách phân bổ cuộc gọi phù hợp, số cuộc gọi được giảm tải nhưng cũng không ngơi được.
“Làm việc không mệt, chỉ thấy buồn và thấy thương. Bởi khi người bệnh không có kiến thức y khoa, họ sợ hãi bất cứ triệu chứng nào” – PGS Bay thấu hiểu sâu sắc tâm trạng của những người gọi đến.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay giải đáp về việc sử dung các thảo dược thanh hao hoa vàng và xuyên tâm liên trong điều trị bệnh COVID-19 cùng bạn đọc AloBacsi
Không phải chuyên khoa về dịch tễ nhưng để làm tốt việc giải đáp về COVID-19, PGS Bay học hỏi thêm rất nhiều từ đồng nghiệp: “Tôi liên tục “làm phiền” đồng nghiệp, từ BS Trương Hữu Khanh, PGS Đỗ Văn Dũng, BS Lê Tiến Dũng… và đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung…”
Chứng kiến nữ bác sĩ ở tuổi cao niên không ngại vượt qua giới hạn của bản thân, cùng đồng nghiệp chiến đấu hết mình trong đại dịch, ai nấy đều cảm phục. Và càng ấn tượng hơn khi biết “người thầy thuốc vóc dáng nhỏ nhắn, ở độ tuổi “mới chỉ” 70 ấy đang cùng với các cộng sự từng bước thực hiện hoài bão về hiện đại hóa y học cổ truyền (YHCT), kết nối đông y với tây y, phối hợp cùng y học gia đình, để cải cách YHCT đúng hướng hiện đại hóa.
2. Tình yêu nở chậm nhưng không muộn với y học cổ truyền
Là một trong những cây đại thụ ngành Y học cổ truyền, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay có hơn 40 năm công tác nhưng ít ai biết đây là con đường không phải do Cô lựa chọn. Hành trình đến với YHCT của Cô trải qua nhiều cung bậc từ “không thích”, đến “quan tâm” rồi mới đến “yêu”.
Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, với thành tích học tập đáng nể, cô sinh viên y khoa Nguyễn Thị Bay được bầu là lớp phó học tập từ năm thứ 2 đến đầu năm thứ 5. Cuối năm thứ 5 là thời điểm lựa chọn chuyên ngành, dựa theo năng lực bản thân, bối cảnh gia đình, cô đăng ký chuyên khoa phẫu nhi (tên gọi bây giờ là ngoại nhi) bởi thích phẫu thuật và có bàn tay khéo léo mổ xẻ, mà lúc ấy nhu cầu xã hội cũng đang thiếu bác sĩ phẫu nhi. Nếu không được theo phẫu nhi, 2 nguyên vọng còn lại của cô Bay là sinh lý bệnh (nghiên cứu trong phòng thí nghiệm) và nội nhi.
Thế nhưng đến ngày công bố chính thức, vừa bước chân vào đại giảng đường, cô sửng sốt nghe tên mình trong danh sách đông y.
YHCT thời ấy chưa được xã hội xem trọng, gắn liền với hình ảnh ông thầy lang bắt mạch hốt thuốc, sắc thuốc thang với lá này rễ nọ, kinh nghiệm cha truyền con nối, hiệu quả thì phập phù “phước chủ may thầy”. Việc đào tạo ở trường lớp thì cũng chỉ đến bậc lương y, y sĩ chứ bác sĩ tây y sao mà lại đi học YHCT…
Bản thân không cam tâm, lại nghe người thân an ủi: “thôi thì học cho có cái nghề” như càng thêm xát muối vào lòng tự tôn của cô gái trẻ. “Tuổi trẻ bồng bột và hiếu thắng đã tạo ra không ít chông gai trên đường đi của tôi. Không thích vì bị bắt buộc một cách oan uổng, vì bị đẩy vào trong giai đoạn xã hội “ghẻ lạnh” đối với đông y, vì cảm thấy thụt lùi trong khi bạn bè mình dấn bước trong vinh quang chuyên môn nghề nghiệp,…” – PGS Bay nhìn lại thời tuổi trẻ của mình khi trả lời phỏng vấn một chuyên trang về sức khỏe.
Bước vào chuyên ngành trong tình huống “gặp thời thế, thế thời phải thế”, thường xuyên trốn tiết để qua làm việc ở một bệnh viện khác nhưng với tư chất thông minh, cô Bay thi tốt nghiệp vẫn đạt điểm giỏi và được giữ lại làm cán bộ giảng của bộ môn Y học dân tộc, khoa Y, trường Đại học Y Dược TPHCM (năm 1981).
10 năm sau, “bước ngoặt tình yêu” với YHCT mới mở ra trong chuyến du học tại Nhật Bản năm 1991. PGS Bay thấy được sự huyền diệu của đông y mà trước đó bị che mờ bởi định kiến xã hội, cộng thêm những sách vở đông y mà Cô tiếp cận trước kia diễn đạt bằng văn phong Hán Nôm khó hiểu: “Tôi đọc cuốn Thương hàn luận bằng tiếng Anh thì mới vỡ lẽ đông y quá hay.
Và tôi chứng kiến Nhật Bản có nền y học cổ truyền rất tiến bộ mặc dù lịch sử phát triển của họ mới chỉ 200 năm. Với những ca bệnh nặng, họ dùng thuốc không có ranh giới giữa đông y và tây y. Ngay cả bệnh nhân ung thư vẫn vui vẻ và sống thọ, không phải chịu nhiều tác dụng phụ, không có gợn nào bi quan như bệnh nhân nơi khác, nghe tin mình bị ung thư là rầu rĩ tuyệt vọng, tính chuyện viết di chúc…”
6 tháng học tập tại xứ sở hoa anh đào, trải nghiệm môi trường cạnh tranh khoa học gắt gao, nghiên cứu nghiêm túc, nhiều đêm một mình trong thư viện… đã mở ra những cánh cửa lớn, trở về Việt Nam là một Nguyễn Thị Bay khác hoàn toàn, hăm hở bắt tay vào phát triển YHCT nước nhà.
3. Cải cách y học cổ truyền cần hiện đại hóa chứ không phải tây y hóa
30 năm tiếp theo, TS.BS Nguyễn Thị Bay kinh qua nhiều chức vụ: Trưởng Bộ môn Bệnh học, Khoa Y học cổ truyền rồi Phó trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng Cơ sở 3 – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế theo nhu cầu xã hội… cùng nhiều chức danh, nhiệm vụ khác.
Mặc dù bước qua tuổi hưu từ năm 2013 nhưng PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay chưa ngày nào ngơi nghỉ. Điện thoại vẫn tới tấp từ đồng nghiệp muốn tham khảo ý kiến hay mời Cô tham gia nhiều dự án lớn, trong đó, vấn đề đào tạo đại học và sau đại học cho bác sĩ YHCT, cải cách YHCT luôn khiến Cô trăn trở bấy lâu.
Đặc trưng của YHCT là cầm tay chỉ việc, một thầy chỉ dẫn dắt 2-3 trò. Bệnh nhân đến khám, nếu thầy bắt được mạch trường thì 2-3 trò cùng đến cảm nhận cách đập như vậy là mạch trường, học trò ghi nhận mỗi ngày để tích lũy dần kinh nghiệm. Do đó, một thầy không thể cầm tay chỉ việc cho nhiều trò cùng lúc là một cái khó trong đào tạo đông y.
YHCT hiện nay cũng đang được quản lý theo kiểu tây y, nghiên cứu khoa học đánh giá theo kiểu tây y, đúng là điều đó sẽ tạo ra sự nghiêm túc và khách quan nhưng không thể đem “cây thước” tây y ra đo đạc đông y, vì hai nền y học dựa trên các cơ sở lý luận khác nhau hẳn.
“Chúng ta kêu gọi “hiện đại hóa đông y”, “hiện đại hóa y học cổ truyền” nhưng gần như cách làm hiện nay là “tây y hóa đông y”, “tây y hóa y học cổ truyền”.” – PGS Bay nhận định về thực trạng của YHCT.
Làm sao để YHCT được hiện đại hóa mà không phải tây y hóa? Làm sao đặt ra những quy chuẩn rõ ràng khi chẩn đoán và điều trị đông y? Làm sao để bác sĩ YHCT vững chuyên môn hơn? Làm sao để người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay bước đầu…?
Đó không là khát vọng của riêng PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, và những người cùng chí hướng này cần tập hợp lại thành hội đoàn để cùng nhau hành động. Từ đó, Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp TPHCM ra đời và ngành Y học cổ truyền ở Đại học Quốc gia TPHCM chuẩn bị thành lập.
4. Đông y, tây y và y học gia đình: ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Năm 1996, lần đầu tiên BS Nguyễn Thị Bay cảm nhận hạnh phúc khi mình là một thầy thuốc đông y khi được báo cáo tại hội nghị quốc tế về Pharmacology tổ chức tại Toyama, Nhật Bản. Những năm sau đó, Cô liên tục có bài báo cáo tại hội thảo của các hội chuyên ngành như Hội Tim mạch, Hội Thần kinh… trình bày các vấn đề bệnh lý với góc nhìn của đông y.
Tuy nhiên, với việc đứng lên thành lập hội, PGS Bay có đôi chút băn khoăn vì không chắc ý tưởng của mình có được ủng hộ nhiều không. Vậy mà, khi PGS Bay khởi xướng, chỉ sau 2 tháng chóng vánh, Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp TPHCM chính thức được thành lập 2/7/2019, cứ như được thai nghén từ lâu lắm rồi.
Liên tiếp sau đó, Liên chi hội tổ chức nhiều hội thảo, không chỉ bác sĩ đông y mà bác sĩ tây y cũng đăng ký tham dự rất đông. Điều đó khiến vị chủ tịch đầu tiên của Liên chi hội – PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay càng thêm nức lòng, vững tin rằng những người thành lập đã đi đúng hướng.
Sứ mạng của Liên chi hội là tạo ra một liên chi hội đông tây y kết hợp để thống nhất quy chuẩn chung của đông y về chẩn đoán, đánh giá năng lực của thầy thuốc, hiệu quả điều trị… vốn xưa nay chỉ dựa vào cảm nhận chủ quan của thầy thuốc và bệnh nhân.
Bên cạnh đó, tây y hiện nay cũng có xu hướng muốn tận dụng thảo dược bởi vì rất nhiều loại thuốc không thể tách chiết riêng dược chất theo từng công dụng được. Do đó, đông y và tây y cùng kết hợp sẽ là mối quan hệ cùng có lợi, mà người được lợi nhiều nhất chính là bệnh nhân vì họ được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và khoa học.
Liên chi hội Đông Tây y kết hợp đã “kết nghĩa anh em” với Liên chi hội Y học gia đình từ rất sớm. Điều này cũng hợp lẽ, vì tuy rằng y học gia đình phát triển từ phương tây, nhưng y học phương đông từ ngàn xưa cũng đã có bác sĩ gia đình, nhưng với hình thức khác, đó là những vị thầy lang.
Mỗi ông lang chịu trách nhiệm cho một ngôi làng, quen biết mọi người trong làng, các thành viên của mỗi gia đình và đặc tính sức khỏe của họ. Khi một người phát bệnh, thầy lang – với sự thấu hiểu về tiền sử sức khỏe của người đó từ nhỏ tới lớn, yếu tố gia đình, thói quen sống, đặc tính môi trường bản địa… – sẽ đưa ra được phương án điều trị phù hợp hơn.
Do đó, PGS.TS.BS Phạm Lê An – Chủ tịch liên chi hội Y học gia đình TPHCM cũng được mời làm Phó chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp TPHCM.
5. Người thầy của những người thầy
Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp TPHCM là một liên chi hội đầu tiên của Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng những quy chuẩn của đông y đầu tiên tại Việt Nam.
Không dừng lại ở đó Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bay “vẫn mộng chuyện đào tạo”, lập ra một thể chế YHCT mới thông qua việc xây dựng ngành Y học cổ truyền* ở Đại học Quốc gia TPHCM với cách giảng dạy mới, ở đó, YHCT sẽ có cơ sở khoa học vững vàng hơn, đi sâu vào những lý luận rõ ràng hơn.
Điểm khác biệt về nội dung kiến thức là: ứng dụng Kinh Dịch vào y học; có thêm bộ môn mới là Y học phục hồi, đào tạo điều trị không dùng thuốc cho người bệnh và phòng bệnh đa phương thức cho người khỏe; đào tạo các nguyên lý và phương pháp châm cứu cổ điển hiệu quả nhưng thất truyền, vốn chưa từng được dạy tại các trường y khác trước đây trên toàn quốc; huấn luyện sinh viên kỹ năng tự học, tự tra cứu y văn cổ, khả năng tự rèn luyện chuyên môn sau khi ra trường.
Với BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng – nguyên trưởng khoa YHCT Bệnh viện Nhân dân 115, những buổi giảng bài của cô Bay rất hấp dẫn với kiến thức sâu rộng, phong cách chuyên nghiệp, hiện đại: “Lĩnh vực cô giảng dạy là bệnh lý cơ – xương – khớp, tiêu hóa. Khi sinh viên hỏi Cô về lĩnh vực này, Cô có thể giúp đỡ cả về tây y và đông y. Điều mà người đã từng được Cô giảng dạy luôn nhớ về Cô là sự tậm tâm, nhẹ nhàng với nụ cười luôn nở trên môi và kiến thức sâu – rộng mà Cô mang đến”.
BS Trần Công Đại Lộc – Bệnh viện ĐH Y dược cơ sở 3 thì chưa được làm việc nhiều với PGS Bay nhưng là được Cô hướng dẫn luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú: “Cô rất thân thiện với học trò, cho tôi cảm giác thoải mái khi trò chuyện. Ngoài ra Cô luôn tạo điều kiện để mọi người bày tỏ quan điểm của bản thân, không gây áp lực cũng như khắt khe trong mọi vấn đề. Tôi cảm thấy bản thân mình khá may mắn khi được làm việc cùng Cô”.
“Tôi nhớ hoài câu nói của Cô: ‘Nghề nhà giáo cao quý ở chỗ có thể thay đổi cả một con người’ “ – BS Ngô Thanh Hùng – Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ – “Cô Bay là người thầy của những người thầy, mỗi khi nhắc đến Cô thì chắc hẳn biết bao thế hệ bác sĩ không ít thì nhiều cũng đều có kỷ niệm với Cô.
Tôi rất may mắn khi không chỉ được học với Cô mà còn nhận được sự hướng dẫn của Cô khi thực hiện luận văn bác sĩ nội trú của mình. Chính câu nói đó đã truyền động lực rất lớn cho tôi khi quyết định dấn thân vào con đường sư phạm đầy khó khăn thử thách nhưng cũng đầy ý nghĩa này.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, kính chúc Cô luôn đầy tràn sức khỏe để tiếp tục thắp lên những ngọn lửa và lan tỏa tình yêu Y học cổ truyền Việt Nam đến nhiều thế hệ sinh viên hơn nữa.
Dù đã bước sang ngành chẩn đoán hình ảnh, BS Võ Thanh Sơn – phòng khám Medlatec vẫn nhớ: “Cô hay dặn các thế hệ sinh viên là ‘Lương y như từ mẫu, phải như người mẹ hiền chăm sóc con mình khi ốm đau’. Cô là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên. Cô luôn tận tâm truyền đạt kiến thức và lòng yêu nghề. Qua tháng năm giờ đây mái tóc đã bạc nhưng Cô vẫn khỏe, vẫn giảng dạy, vẫn luôn mỉm cười, vẫn hiền hoà dạy dỗ các em! Yêu quý Cô vô cùng!”.
Những học trò của Cô Bay dù đã thành đạt tỏa đi muôn nơi hay còn gặp trên giảng đường, dù xa cách nhiều năm hay vẫn đang cộng tác đều nhớ về Cô với tình cảm thân thương như vậy. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay đã và đang là một người truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên, bác sĩ trong ngành YHCT từ nhiều miền đất nước.
Hồng Nhung – AloBacsigioi.vn
Chân thành cảm ơn ThS.BS Đoàn Quang Nguyên đã hỗ trợ hoàn thành bài viết
* Chú thích: Hiện nay tại Khoa Y – Đại học Quốc gia TPHCM, Y học cổ truyền đang là ngành chứ chưa thành khoa.
- Từ khóa:
- cô Bay
- đông y
- pgs nguyễn thị bay
- y học cổ truyền