7 lần sửa một luận văn thạc sĩ cho học trò
Trong cuộc đời của mỗi người sẽ gặp những người thầy tác động lớn đến sự nghiệp của mình. Với ThS.BS Võ Tuấn Khoa – Phụ trách khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115, cô Thy Khuê là người thầy như vậy. Một người thầy với chuyên môn và đức độ đã khiến anh sinh viên Y4 Võ Tuấn Khoa thay đổi định hướng ban đầu theo Nhi khoa chuyển sang theo đuổi ngành Nội tiết.
“Năm tôi là sinh viên Y4, mẹ tôi bị bệnh tuyến giáp nhưng có biểu hiện về tim mạch nên cứ đi chữa theo tim mạch, bệnh không cải thiện. Sau đó mẹ tôi may mắn được một người bạn giới thiệu tìm đến cô Thy Khuê và được Cô điều trị đến bây giờ, là 26 năm. Tôi có nhiều kỷ niệm với Cô, mỗi câu chuyện mang một dấu ấn tôi không bao giờ quên” – BS Tuấn Khoa kể lại.
Năm 1999 sau khi tốt nghiệp đại học, BS Tuấn Khoa thi vào nội trú Nội tiết nhưng có một điểm số không đạt, tuy nhiên anh vẫn nuôi ý chí theo chuyên ngành này. Sau khi về Bệnh viện Nhân dân 115, BS Tuấn Khoa tiếp tục học thạc sĩ.
Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của BS Tuấn Khoa được PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê đỡ đầu, dìu dắt như những học trò chính thức của Cô: “Chúng tôi thường ví bác sĩ nội trú là con ruột của Cô. Tôi lỡ cơ hội làm bác sĩ nội trú nhưng vẫn được cộng tác, làm việc với Cô, được Cô dạy dỗ cũng có thể xem là con nuôi” – BS Tuấn Khoa cười.
Cuối năm 2006, khi BS Võ Tuấn Khoa viết xong luận văn Khảo sát chất lượng sống của người bệnh đái tháo đường sau khi đoạn chi, cô Thy Khuê bảo đưa cho Cô tranh thủ đọc trong mấy ngày nghỉ tết. BS Tuấn Khoa hăm hở đi in, tự tin là mình làm hoàn chỉnh rồi.
Qua tết, Cô nhắn BS Khoa tới gặp, nói: “Em viết thế nào mà tôi đọc không hiểu”.
“Lúc đó không biết sao tôi lại trả lời rất vô tư: ‘Cô ơi, em viết như vậy mà Cô đọc không hiểu sao?’, Cô chỉ cười rồi nói tôi về viết lại” – đó là khởi đầu công cuộc sửa chữa luận văn của hai thầy trò. Sau mỗi lần sửa BS Tuấn Khoa đều thấy đã hay lắm rồi, nhưng Cô vẫn yêu cầu sửa tiếp.
“Kết quả là chúng tôi phải sửa 7 lần luận văn đó. Khi trình ra hội đồng không mắc một lỗi nhỏ nào, kể cả lỗi chính tả”. Cũng từ đó, BS Tuấn Khoa thấm nhuần được cách làm việc tỉ mỉ, chi tiết từ người thầy của mình.
Sau này câu chuyện BS Tuấn Khoa “dám” nói với cô Thy Khuê “Em viết như vậy mà Cô đọc không hiểu sao?” trở thành giai thoại, các đồng nghiệp đùa rằng chắc lúc đó lá gan BS Tuấn Khoa hơi lớn.
Là giảng viên, càng phải học để dạy cho tốt
Đối với BS.CK1 Mã Tùng Phát – khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, từng là bác sĩ nội trú được PGS Thy Khuê giảng dạy 3 năm từ 2012-2015, Cô là một người thầy tận tâm, hết lòng với học trò cũng như bệnh nhân:
“Hàng tuần, Cô đi xem bệnh cùng các bác sĩ nội trú, sau đó thảo luận để tìm ra hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh. Dù rất bận rộn với nhiều công việc ở nhiều cương vị, sức khỏe của Cô cũng không phải rất tốt nhưng Cô vẫn giảng dạy rất nhiệt tình, đôi lúc qua cả giờ nghỉ trưa và hiếm khi cô hủy hay hoãn các lịch giảng dạy”.
PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê luôn chú trọng phần thực hành, phải giảng cho sinh viên ngay tại giường bệnh, bởi nghề y là một nghề thực hành, không thể nói chỉ lý thuyết và bác sĩ phải có sự đồng cảm với người bệnh, chỉ có tiếp xúc trực tiếp mới vun đắp được sợi dây kết nối này.
Bệnh nhân Nội tiết phải nằm viện đa phần là những ca khó, phối hợp nhiều bệnh cùng lúc, đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức rộng, cái nhìn tổng quát và bề dày kinh nghiệm để đưa ra định hướng cho sinh viên và các bác sĩ trẻ, nếu không người trẻ có thể sẽ “lạc lối”.
Các bệnh khó thường gặp ở khoa Nội tiết: đa u tuyến nội tiết, suy đa tuyến nội tiết, bệnh đái tháo đường nhiều biến chứng cùng lúc… làm sao phải có hướng tiếp cận để điều trị, kiểm soát, ngăn ngừa tiến triển nặng thêm. Đặc biệt, với biến chứng bàn chân đái tháo đường, bác sĩ Nội tiết còn đóng vai trò gắn kết nhiều chuyên khoa với nhau mới xử trí tốt bàn chân cho người bệnh.
Là giảng viên, càng phải học để dạy cho tốt, đó là điều cô Thy Khuê thường nói với TS.BS Trần Quang Nam, nay là Trưởng khoa Nội tiết, BV Đại học Y Dược TPHCM và bản thân Cô cũng luôn học hỏi không ngừng. Các buổi học tập với các giáo sư ở nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy, Cô thường đến rất sớm, không bỏ bất kỳ buổi học nào.
BS Nam kể: “Tôi còn được đi học cùng cô Khuê và các bác sĩ trong Bộ môn nội tiết, ĐH Y dược TPHCM tại Đại học Fukushima, Nhật Bản. Đó là chuyến đi học về các phương pháp nghiên cứu khoa học, là dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Chương trình hợp tác đào tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu cho bác sĩ đã kéo dài gần 20 năm và hiện nay vẫn còn tiếp tục”.
Cho tới cách đây 5-6 năm Cô không đi Nhật nữa để giữ gìn sức khỏe nhưng hình ảnh một người thầy lớn vẫn đi học cùng học trò của mình mãi không phai trong tâm trí mọi người.
Bệ phóng để các bác sĩ hội nhập với y khoa thế giới
Qua được môn của cô Thy Khuê là trầy vi tróc vảy! Đó là “nỗi niềm” của nhiều sinh viên Đại học Y dược TPHCM bởi Cô yêu cầu phải dùng tiếng Anh toàn bộ. Bộ môn Nội tiết vốn đã khó rồi, phải vấn đáp bằng tiếng Anh với một người thầy kỹ tính như cô Thy Khuê lại càng gian nan gấp bội.
“Lần đầu tôi viết luận văn bằng tiếng Anh, cô đã sửa rất nhiều. Khi đi báo cáo quốc tế thì báo cáo trước để cô nghe, sửa cách phát âm, truyền kinh nghiệm diễn đạt” – ThS.BS Võ Tuấn Khoa chia sẻ – “Lúc đầu làm việc với cô bằng tiếng Anh, các bác sĩ trẻ cảm thấy khó khăn nhưng học theo cách của Cô thì dần dần không thấy áp lực nhiều nữa”.
Khi trở thành những chuyên gia đứng trên bục báo cáo trong các hội nghị nước ngoài, các học trò đều thầm cảm ơn vì PGS Thy Khuê đã tạo bệ phóng cho họ hội nhập với y khoa thế giới. Mỗi bác sĩ đều hiểu: phải vượt qua những cái lắc đầu khắt khe nơi ao nhà thì mới nhận được những cái gật đầu tán thưởng trên trường quốc tế.
PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê trước đây học Pháp văn, Cô nói tiếng Pháp rất hay, sau này mới học Anh văn. Cô học ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi. Trang chủ máy tính của cô không phải Google mà là tạp chí y khoa nổi tiếng của Mỹ The New England Journal of Medicine để nghe tiếng Anh chuyên ngành mỗi ngày.
Lúc đi dự hội nghị quốc tế, trong các buổi tiệc buffet Cô tranh thủ học qua tên các món ăn. Ẩm thực cũng là một trong những đề tài mà thầy trò nói chuyện rôm rả bên ngoài lớp học, trong những chuyến hoạt động xã hội khác.
Ngôi sao sáng trong lòng nhiều thế hệ khoác áo blouse trắng
Hiện nay, PGS Thy Khuê vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy. Các hội thảo chuyên ngành lĩnh vực Nội tiết vẫn xuất hiện mái tóc bạc phơ, vóc dáng nhỏ nhắn của cô giáo ngoài 70.
Trước mỗi hội thảo, thầy trò cùng nhau chuẩn bị bài vở kỹ càng. Thế hệ kế cận trưởng thành đã giúp số lượng công việc của Chủ tịch Liên Chi Hội Đái tháo đường – Nội tiết TPHCM nhẹ nhàng hơn, nhưng Cô vẫn dõi theo những bước đi của các học trò của mình trong và ngoài ngành Nội tiết.
Đó cũng là niềm vui của TS.BS Cao Thanh Ngọc – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Trên trang cá nhân, giữa tháng 5/2022, BS Ngọc viết:
“Chiều nay bệnh nhân đến khám chìa toa thuốc và giấy giới thiệu của Cô làm cho mình vô cùng xúc động. Vậy là phòng khám của cô lại mở cửa sau thời gian dài nghỉ phần vì Covid, phần vì sức khỏe.
Có ở trong ngành mới hiểu được niềm tự hào tới mức kiêu hãnh khi được Cô tin tưởng giới thiệu bệnh nhân qua khám về cơ xương khớp. Cô là một tấm gương không tì vết trong ngành y cả về chuyên môn và y đức.
Cảm ơn Cô đã quạt qua cho em luồng gió mát, cho em cảm hứng để làm tốt hơn công việc của người thầy thuốc”.
“Cô Thy Khuê tạo động lực cho các thế hệ học sinh học hỏi không ngừng, tiến bộ không ngừng, đưa ngành Nội tiết của Việt Nam vươn ra thế giới” – BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên – Phó trưởng khoa Nội – Bệnh viện Gia An 115 bộc bạch – “Không có lời chúc nào có thể diễn tả được trọn vẹn những điều tôi muốn gửi đến cô Thy Khuê. Tôi chỉ biết rằng mình phải luôn làm một bác sĩ đủ chuyên môn, đủ tâm huyết để xứng đáng được gọi Cô là ‘người thầy’”.
Người “con nuôi” Võ Tuấn Khoa thì có một ước nguyện: “Trong thâm tâm của tôi, Cô luôn là người thầy, về tuổi tác thì Cô như một người mẹ. Đám cưới của tôi rất vinh dự được đón tiếp Cô. Tên của Cô là một ngôi sao sáng. Tôi đã xin phép Cô nếu sinh con gái sẽ đặt tên Thy Khuê. Nhưng ông trời lại cho 3 cậu con trai nên chưa thực hiện được”.
Với những sinh viên, bác sĩ được PGS Thy Khuê truyền dạy, nhiều câu nói của Cô trở thành triết lý. Những lời động viên và dẫn dắt của Cô tạo cho người học trò thêm sức mạnh. BS Tuấn Khoa mượn lời của một đồng nghiệp: “Cô Thy Khuê là một tượng đài mà khi hỏi bất cứ bác sĩ nào, đặc biệt là bác sĩ trong ngành Nội tiết, họ cũng đều có ấn tượng về cô Khuê rất thân thương, luôn hết lòng với học trò. Cô là thần tượng của những thần tượng”.
Hồng Nhung – AloBacsigioi.vn
PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê là chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam ngành Nội tiết – Tiểu đường. Các bệnh viện lớn trong cả nước nếu có các ca khó về Nội tiết – Tiểu đường đều mời PGS Thy Khuê về hội chẩn và tư vấn. PGS Thy Khuê tuy luôn đông bệnh nhân nhưng luôn nhẹ nhàng, thân ái với người bệnh. |
THÔNG TIN LIÊN HỆ