Dược sĩ lâm sàng là người bạn đồng hành cùng bác sĩ, nhưng hiện nay đội ngũ này vẫn còn mỏng. Làm sao để “phủ sóng” dược sĩ lâm sàng đến các chuyên khoa trọng điểm của bệnh viện, đó là mục tiêu mà PGS.TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh và khoa Dược, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đang hướng đến.
“От улыбки хмурый день светлей, От улыбки в небе радуга проснется… Поделись улыбкою своей, И она к тебе не раз еще вернется…” (Cho trời sáng lên cùng với bao nụ cười, Cầu vồng thêm lung linh bao sắc ánh lên ở khắp nơi, Nụ cười tươi chúng ta cùng chung niềm vui, Trong cuộc sống đầm ấm yên vui ta cùng cất tiếng cười…) – nghe giọng hát của PGS.TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh bay bổng trong phút ngẫu hứng, mọi người mới nhận ra một “cây văn nghệ” giấu mình bấy lâu.
PGS.TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh giải thích: công việc nhiều quá, chưa tham gia chương trình văn nghệ của bệnh viện lần nào… Quả thật, vừa giảng dạy tại bộ môn Dược lâm sàng, khoa Dược, Đại học Y dược TPHCM, vừa đảm nhiệm vị trí phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Thống Nhất, khối lượng công việc mà nữ phó giáo sư gánh vác không hề nhỏ, có ngày chị chỉ ngủ 3-4 tiếng vì phải thức khuya soạn bài. Thế nhưng nụ cười vẫn luôn tươi nở trên khuôn mặt trái xoan, và “Nụ cười” cũng là bài hát Nga chị yêu thích.
PGS.TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh – Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Thống Nhất, giảng viên bộ môn Dược lâm sàng, Đại học Y dược TPHCM
Bố là bác sĩ quân y, mẹ là dược sĩ ở Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, ngay từ nhỏ Hương Quỳnh đã mong muốn tiếp nối truyền thống của gia đình, trở thành dược sĩ như mẹ chị.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hương Quỳnh được tuyển thẳng vào Đại học Dược Hà Nội, sau nửa năm thì lấy được học bổng toàn phần qua Nga, trở thành sinh viên Đại học Y khoa Số 1 Moscow. Hết bậc đại học (năm 2007), Hương Quỳnh lại được học bổng, tiếp tục học tiến sĩ và đạt được học vị này vào năm 2010.
Thân gái dặm trường, chị ấn tượng nhất là cái rét buốt của mùa đông nước Nga, rồi nỗi nhớ nhà quay quắt… nhưng công việc nhanh chóng cuốn trôi nỗi nhớ, và các thầy hỗ trợ sinh viên bất cứ lúc nào, giúp Hương Quỳnh thích nghi với môi trường mới. Cảm nhận sự tận tâm của các thầy cô người Nga, Hương Quỳnh nuôi ước mơ trở thành giáo viên, đem kiến thức của mình hết lòng chia sẻ cho thế hệ kế cận.
Thế nên, khi về nước, TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh trở thành giảng viên của bộ môn Dược lâm sàng, khoa Dược, Đại học Y dược TPHCM. Chị chia sẻ: “Dù có việc gì mệt mỏi đi chăng nữa nhưng cứ lên dạy là thấy vui vì được gặp gỡ các sinh viên trẻ. Tôi nghĩ mình hợp với nghề giáo”.
Làm giảng viên 8 năm, công việc của TS.DS Hương Quỳnh chủ yếu là giảng ở trường, thỉnh thoảng giảng ở các bệnh viện. Năm 2018 theo lời mời hợp tác của Bệnh viện Thống Nhất, DS Hương Quỳnh nhận lời hỗ trợ, cùng làm công tác chuyên môn của dược lâm sàng. Đây cũng là công việc chị mong ước thời sinh viên: “Khi học ở Nga, đa số thời gian tôi thực hành ở phòng thí nghiệm nhưng luôn muốn trở thành dược sĩ lâm sàng, gắn bó với công tác dược ở bệnh viện, đồng hành cùng các bác sĩ, gặp gỡ bệnh nhân”.
»»» Xem thêm: PGS.TS.BS Vũ Quang Huy: Từ bỏ lương ngàn đô vì đam mê công việc xét nghiệm
Ban đầu, nhiệm vụ chị đề ra cho mình khi đến Bệnh viện Thống Nhất là hướng dẫn thật tốt cho các sinh viên làm đề tài tốt nghiệp, tham gia nghiên cứu khoa học cùng bệnh viện – vốn là thế mạnh của giảng viên. Nhưng sau khi về bệnh viện, tiếp xúc với môi trường thực tế, được học tập từ các bác sĩ, DS Hương Quỳnh cảm thấy mình trưởng thành hơn và có hoạt động thiết thực gắn với công tác dược lâm sàng tại bệnh viện.
Điểm khác biệt của bệnh nhân lão khoa (chiếm số đông tại Bệnh viện Thống Nhất) là họ cùng lúc mắc nhiều bệnh: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, tiền sử nhồi máu cơ tim, thoái hóa khớp… Vì mắc nhiều bệnh, phải dùng nhiều thuốc, cho nên vấn đề tương tác thuốc và lưu ý, thận trọng khi dùng thuốc luôn được đội ngũ dược lâm sàng của Bệnh viện Thống Nhất chú trọng.
Tuy nhiên, do bệnh nhân quá đông và chưa có đủ nhân sự nên việc tư vấn thuốc cho bệnh nhân cao tuổi còn nhỏ lẻ, chưa đi vào thường quy. DS Hương Quỳnh mong muốn tương lai sẽ có phòng tư vấn thuốc:
“Mọi người nghĩ người cao tuổi hay quên, sẽ khó tư vấn nhưng thật ra các bác rất dễ thương, rất muốn được trò chuyện, tâm sự, có bác cẩn thận ghi chép tỉ mỉ… nên nếu chúng ta bố trí được phòng tư vấn thuốc thì giúp ích rất nhiều cho việc tuân thủ sử dụng thuốc của bệnh nhân tại nhà”.
Song song đó là triển khai công tác dược lâm sàng tại các khoa với tình thế “vạn sự khởi đầu nan”, vì khái niệm này còn mới mẻ. Lâu nay, bác sĩ kê đơn và một mình chịu trách nhiệm với bệnh nhân về toa thuốc, tuy nhiên, dược sĩ lâm sàng là người có thể đi cùng bác sĩ, hỗ trợ bác sĩ trong lúc phân vân lựa chọn thuốc. Chẳng hạn với tình trạng nhiễm trùng đó thì lựa chọn thuốc gì, bệnh nhân đó chức năng thận suy giảm thì chỉnh liều thuốc như thế nào… thì đây là “nghề” của người dược sĩ.
Lúc đầu bác sĩ không quen, cảm giác như dược sĩ giám sát mình, tuy nhiên dần dần dược sĩ lâm sàng đã được các bác sĩ đã đón nhận, bởi họ hiểu đây là người bệnh đồng hành cùng mục tiêu điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Sau thành công bước đầu này, PGS.TS.BS Bùi Thị Hương Quỳnh mong muốn phát triển thêm lực lượng, để “cắm” được dược sĩ lâm sàng ở đa số các khoa trọng điểm tại bệnh viện.
»»» Xem thêm: BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp – Bác sĩ chuyên khoa nhi “lỡ” đắm say ngành dinh dưỡng
Chạy như con thoi giữa viện và trường đã “ngốn” rất nhiều thời gian của nữ dược sĩ. Với gia đình nhỏ của mình, Hương Quỳnh cố gắng tận dụng thời gian còn lại dành cho 2 đứa con, lấy sở thích của con làm sở thích của mình, con thích bơi thì mình đi bơi, con thích dạo công viên thì mình đi công viên…
Người mẹ trẻ mỉm cười nhớ lại 5 năm trước: một bên là bé sơ sinh, một bên là bé 2 tuổi, hẳn là tất cả chị em phụ nữ đều thấm thía nỗi vất vả của giai đoạn rối rít tít mù này. Nay các con đã lên 5, lên 7, việc chăm sóc gia đình đã “dễ thở” hơn rất nhiều, mặc dù nhiều sở thích riêng chị vẫn tạm gác như ca hát, xem phim, gặp gỡ bạn bè… “Nhưng tôi không cảm thấy đó là hi sinh, không cảm thấy thiệt thòi mà rất hài lòng với cuộc sống của mình”.
“Tôi có 3 ngôi nhà: gia đình nhỏ của tôi, bộ môn Dược lâm sàng, Đại học Y dược TPHCM và khoa Dược, Bệnh viện Thống Nhất. Tập thể khoa Dược cực kỳ thấu hiểu, chia sẻ với nhau, nhất là DS Hiền (trưởng khoa) luôn giúp đỡ mọi người phát triển công việc. Sống và làm việc trong tập thể như thế, tôi đi làm cũng như về nhà” – DS Hương Quỳnh chia sẻ.
Đi qua những mùa đông lạnh giá của nước Nga xa xôi, hành trang theo chị là vốn kiến thức dược lý dày dặn, như đóa quỳnh tỏa hương, tới lượt mình, nữ phó giáo sư lại hăm hở chia sẻ với các bạn dược sĩ trẻ, mong sao có được đội ngũ dược sĩ vừa có tâm, vừa có tài để đồng hành cùng bác sĩ, phục vụ bệnh nhân.
PGS.TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh đã có hơn 50 bài đăng tại các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều đề tài đáng chú ý:
Các giáo trình đã tham gia biên soạn:
|
Hồng Nhung – AloBacsiGioi.vn
- Từ khóa:
- AloBacsi
- AloBacsi giỏi
- bác sĩ alobacsi
- Bệnh viện Thống Nhất TPHCM
- chân dung bác sĩ Bùi Thị Hương Quỳnh
- Kênh thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi
- khoa Dược
- PGS.TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh