Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Đăng Thục

Gặp PGS.TS Ngô Đăng Thục tại phòng khám Giáo sư của Bệnh viện Đại học Y, chúng tôi nhận ra một điều: Ở ông, phấn đấu phải đi đôi với thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”. Vì vậy, ngoài dạy chuyên môn, ông còn dạy thế hệ trẻ gắn bó với nghề y phải làm việc bằng thái độ nghiêm túc, nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh với phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”.

Trưởng thành từ người lính Cụ Hồ…

Sinh ra và lớn lên tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Tuổi thơ của Ngô Đăng Thục gắn bó với đồng quê, cùng sự yêu thương đùm bọc của gia đình. 17 tuổi, Ngô Đăng Thục đã tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam và chiến đấu tại chiến trường Lào (1971 – 1974).

Đăng Thục chứng kiến nhiều đồng đội cùng chiến đấu bị thương, không được chữa trị tốt trong điều kiện thiếu thốn về y tế khiến nhiều người phải bỏ mạng nơi chiến trường. Người lính trẻ Đăng Thục cũng không tránh khỏi bom đạn và trở thành thương binh hạng 3/4. Đó cũng chính là lý do để sau khi rời quân ngũ ông quyết tâm và thi đậu vào học bác sĩ hệ chính quy tại Đại học Y Hà Nội năm 1974.

Tốt nghiệp năm 1980, với thành tích học tập xuất sắc, bác sĩ trẻ Ngô Đăng Thục tiếp tục được theo học nội trú bệnh viện, chuyên khoa Thần kinh tại Đại học Y Hà Nội.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Đăng Thục

Kết thúc khóa học năm 1983, bác sĩ Thục trở thành người thầy dìu dắt những người trẻ tuổi yêu thích nghề y khi là Giảng viên Bộ môn Thần Kinh, Đại học Y Hà Nội. Là thầy giáo đứng trên bục giảng, nhưng Ngô Đăng Thục không vì thế mà quên học tập tiếp thu kiến thức để hoàn thiện mình.

Ông nhớ lại: “Năm 1985 đến năm 1986, tôi được lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội cho sang Vương quốc Hà Lan làm thực tập sinh chuyên ngành Thần kinh. Đây là một ngành đặc thù mà ít bác sĩ bấy giờ muốn hướng đến học tập để điều trị cho người bệnh. Gạt qua vướng mắc đó, tôi quyết tâm học để để gắn bó và điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân không may bị ảnh hưởng về tâm lý”.

Năm 1995, ông tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa, chuyên khoa Thần kinh; năm 1996, ông bảo vệ thành công bằng tiến sĩ y học, chuyên ngành Thần kinh; Tốt nghiệp chuyên khoa cấp II chuyên ngành Thần kinh năm 2001. Cũng trong thời gian đó, bác sĩ Ngô Đăng Thục được phân công nhiệm vụ là phó khoa Thần kinh Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội (1988 – 1992); năm 2000, là giảng viên chính Bộ môn Thần Kinh học, Đại học Y Hà Nội. Năm 2002, ông được phong hàm Phó giáo sư.

Bước tiếp trên chặng đường phổ cập kiến thức ngành y đến sinh viên, năm 2005, PGS.TS Ngô Đăng Thục được bổ nhiệm là Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Bạch Mai; năm 2009, ông là Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; từ năm 2011 đến 2015, PGS.TS Ngô Đăng Thục đảm nhiệm cương vị Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và là giảng viên cao cấp, Đại học Y Hà Nội.

Nay nghỉ hưu, nhưng ông vẫn nhiệt tình với những bài giảng tới sinh viên và trực tiếp làm việc tại phòng Khám giáo sư – Bệnh viện Đại học Y.

Đến những dấu ấn khó quên với ngành Y

Không chỉ làm tốt vai trò của người thầy giáo, cũng như của một Trưởng khoa Nội tổng hợp, PGS.TS Ngô Đăng Thục đã triển khai nghiên cứu và viết trên 40 bài báo khoa học đăng trên nhiều tạp chí chuyên ngành thần kinh trong nước và thế giới. Trong đó, có 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. PGS.TS Ngô Đăng Thục cũng đã hướng dẫn thành công 15 đề tài cao học và 2 đề tài nghiên cứu sinh của sinh viên.

Một số bài viết, bài báo tiêu biểu mà PGS.TS Ngô Đăng Thục đã đăng tải: Biểu hiện lâm sàng của tắc mạch máu não hệ động mạch cảnh trong; Chụp mạch máu não trong chẩn đoán tắc mạch não; Một số nhận xét về chẩn đoán tắc động mạch cảnh trong đoạn ngoài sọ ở người có tuổi; Vai trò của hàng rào máu não trong bệnh lý miễn dịch thần kinh; Biểu hiện Thần kinh trong bệnh kén sán não; Nhân 41 trường hợp kén sán não điều trị bằng Praziquantel… Bản thân PGS.TS Ngô Đăng Thục đã xuất bản 01 cuốn sách: “Thần Kinh học lâm sàng”. Nhà xuất bản Y học, năm 2004, và cuốn “Thần Kinh học”. Nhà xuất bản Đại học Huế, năm 2008.

Hôm nay, ở tuổi 61, nhưng PGS.TS Ngô Đăng Thục vẫn hăng say làm việc tại phòng khám Giáo sư; giảng dạy; nghiên cứu khoa học; tham gia các hoạt động cộng đồng,… Ông hiện là hội viên tổ chức Nghiên cứu Não Quốc tế (IBRO); hội viên Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO); Ủy viên Ban chấp hành Hội Thần kinh học Việt Nam.

Bác sĩ Thục tâm sự: “Với tôi, còn sức là còn làm việc và cống hiến, đặc biệt là với ngành Thần kinh học. Bởi theo tôi, chúng ta có hệ thống chuyên ngành như vậy là do được các thầy cùng các thế hệ kế tiếp đã dày công phát triển triển suốt từ 1954 tới nay. Vì vậy, chúng ta cần duy trì, giúp ngành Thần kinh học theo kịp khu vực và Thế giới để điều trị tốt hơn cho người bệnh trong nước”.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, PGS.TS Ngô Đăng Thục – làm tròn “Ba vai trong một con người” – Bác sỹ, thầy giáo, quản lý. Ông đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú do Chủ tịch nước tặng năm 2010; Bằng khen của Bộ Y tế; Bằng khen của Bộ GD&ĐT; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế… và rất nhiều giấy khen của Ban lãnh đạo Bệnh viện và Trường Đại học Y Hà Nội… Nhưng niềm vui lớn nhất mà ông cảm nhận lúc này là có niềm tin để tiếp tục cống hiến với nghề Y.

Niềm tin còn mãi trong tâm trí PGS.TS Ngô Đăng Thục để ông tiếp tục cống hiến thầm lặng cho ngành Y và làm đẹp cho cộng đồng xã hội.

Theo Hội thần kinh học Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *