Thế nào là kết cục tốt sau đột quỵ?

Kết cục sau đột quỵ, trong hầu hết trường hợp, sẽ đánh giá tại thời điểm 3 tháng sau đó. Mức độ phục hồi các khiếm khuyết chức năng thần kinh được phân nhóm theo thang điểm mRS, bao gồm 7 mức độ:

(1) mRS 0: Khi bệnh nhân phục hồi hoàn toàn 100%, không có bất kỳ khiếm khuyết gì.

(2) mRS 1: Bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn (98%), có thể làm được tất cả mọi công việc trước đây, tuy nhiên vẫn còn một vài triệu chứng nhỏ, không đáng kể (VD: còn tê hoặc dị cảm ở tay hoặc chân…).

(3) mRS 2: Bệnh nhân phục hồi rất tốt, có thể làm được gần như tất cả các công việc trước đây, tuy nhiên vẫn còn một số việc không thể làm được như trước khi bị đột quỵ (VD: không thể tự lái xe, chơi thể thao…). Quan trọng nhất, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục những công việc như trước.

(4) mRS 3: Bệnh nhân có thể đi lại được, dù có thể khó khăn. bệnh nhân cần sự trợ giúp tối thiểu (đi với gậy) và tự làm được các hoạt động vệ sinh cá nhân (tắm rửa, đánh răng…).

(5) mRS 4: Bệnh nhân cần nhiều sự trợ giúp trong mọi hoạt động, không thể tự chăm sóc vệ sinh cá nhân.

(6) mRS 5: Bệnh nhân phải nằm sinh hoạt trên giường, tiêu tiểu không tự chủ. Bệnh nhân cần đến sự trợ giúp của nhân viên y tế trong ngày.

(7) mRS 6: tử vong.

Vậy kết cục nào sau đột quỵ sẽ được xem là “tốt”???

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch hội Đột quỵ TPHCMPGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch hội Đột quỵ TPHCM

Có thể sẽ khác biệt về việc đánh giá “kết cục tốt” khi ở những góc nhìn khác nhau: thử nghiệm lâm sàng, quan điểm với chính bản thân, hay với những người thân.

Trong các thử nghiệm lâm sàng kinh điển từ thập niên 90 như NINDS hoặc ECASS 1, ECASS 2, kết cục tốt được định nghĩa khi bệnh nhân có mức mRS 0 hoặc mRS 1 tại thời điểm 90 ngày sau đột quỵ. Mặc dù vậy, những thử nghiệm gần đây đã chấp nhận mức mRS 2 cũng được xem là kết cục tốt, lý do là, bệnh nhân vẫn có thể quay trở về cuộc sống và công việc trước đây gần bình thường.

Gần đây, thử nghiệm RESCUE – Japan đã đưa ra định nghĩa mới về “kết cục tốt”, khi bao gồm cả mRS 0, 1, 2 và cả mRS 3. Lý do là, dân số trong RESCUE – Japan bao gồm các bệnh nhân có vùng thiếu máu rộng trên CT scan hoặc MRI (ASPECTS 3-5). Nếu chỉ bao gồm mRS 0-2 như những thử nghiệm trước đó, tỷ lệ bệnh nhân có “kết cục tốt” sẽ rất thấp và khó tạo ra sự khác biệt so với nhóm điều trị nội khoa bảo tồn.

Như vậy, sẽ có 3 nhóm kết cục sau đột quỵ. Kết cục tốt khi bệnh nhân ở mức mRS 0-2 (hoàn toàn bình thường, hoặc gần như bình thường), kết cục kém khi mRS 3-4 (sống với nhiều khiếm khuyết thần kinh và lệ thuộc vào người khác), và tệ nhất là mRS 5-6 (tình trạng thực vật hoặc tử vong).

Quan điểm về “kết cục tốt” có thể sẽ rất khác khi chúng ta buộc phải lựa chọn cho những người thân của mình. Khi đó, đôi khi chỉ cần “còn sống” đã được xem là một cái kết có thể chấp nhận đuợc.

Câu chuyện với một người quen của tôi, không may mắn khi có cả bố và mẹ bị đột quỵ rất nặng. Hậu quả là, cả hai đều phải sống gần như trong tình trạng thực vật với sự chăm sóc liên tục của nhân viên y tế. Tuy vậy, với anh, được còn nhìn thấy đủ bố và mẹ hàng ngày đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Hiện nay, ngoài việc chăm sóc chu đáo cho bố mẹ, anh còn chia sẻ với những bệnh nhân đột quỵ không may mắn khác qua những hoạt động thiện nguyện.

Quan điểm trên có thể sẽ rất khác, khi lựa chọn kết cục cho chính bản thân mình. Cách nay khoảng 10 năm, khi tham dự hội nghị Đột quỵ châu Âu, một giáo sư chủ toạ đã đưa ra một tình huống giả định:

Có 2 bác sĩ trên một ốc đảo, một người đột ngột liệt nửa người hoàn toàn, trong bối cảnh không có bất kỳ phương tiện gì để chẩn đoán loại trừ xuất huyết não. Câu hỏi đặt ra, sẽ nên làm gì khi trong tay họ chỉ còn một lọ rtPA???

Ai cũng hiểu rằng, rtPA chỉ hiệu quả với đột quỵ thiếu máu não, còn nếu là xuất huyết não thì chẳng khác gì với…tự sát!!!

Tuy vậy, gần như tất cả hội trường đều chọn lựa giải pháp rtPA bơm tĩnh mạch, cho dù chắc chắn sẽ tử vong nếu rơi vào trường hợp đột quỵ xuất huyết não (10-20%).

Tại sao họ chấp nhận giải pháp quá nhiều nguy cơ như vậy trong tình huống giả định trên cho bản thân? Câu trả lời là, hầu hết các bác sĩ đột quỵ đều không chấp nhận tình trạng tàn phế. Với chính họ, chỉ có 2 kết cục, phục hồi tốt để quay lại cuộc sống bình thường, hoặc tử vong như là một sự giải thoát. Nếu sống, nhưng phụ thuộc và là gánh nặng cho những người khác, sẽ có thể là kết cục bi thảm hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *