Chào ThS.BS Lê Vũ Tân, được biết bác sĩ Tân đã gắn bó với chuyên ngành Nam khoa hơn 10 năm. Cơ duyên nào đã đưa bác sĩ Tân đến với chuyên khoa này?
Khi còn là sinh viên, tôi cũng không nghĩ mình sẽ theo ngành Nam khoa này bởi đây là một chuyên ngành rất sâu. Sau khi tốt nghiệp Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (ngày xưa gọi là Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM), tôi được chọn nhiệm sở và quyết định chọn về BV Nhi Đồng 2.
Tuy nhiên, khi làm việc trong môi trường nhi khoa, tôi có cảm giác mình không phù hợp cho lắm. Lúc này, tôi quyết định thử đăng ký thi nội trú nhưng cũng chưa có định hướng rõ ràng nào cả nên tôi chọn ngành tương đối khá mới lạ và thời sinh viên ít được học nhiều, đó là chuyên khoa ngoại niệu.
May mắn thay, tôi đậu nội trú ở trường ĐH Y dược TPHCM. Tại đây, được học tập nhiều kiến thức thú vị từ các thầy cô trong bộ môn, các anh chị và bạn bè, tôi bắt đầu cảm thấy hứng thú với ngành ngoại niệu này.
Khi ra trường, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ theo ngành nam khoa. Nam khoa là một chuyên khoa sâu trong chuyên ngành ngoại niệu, nghĩa là mình phải học Nội trú Ngoại tiết niệu, học chuyên khoa 1 hoặc thạc sĩ về ngoại niệu, sau đó học thêm lớp định hướng chuyên khoa Nam khoa nữa thì mới làm được.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Nội trú Ngoại Tiết Niệu năm 2013, tôi may mắn được nhận lời mời từ bác sĩ trưởng khoa Nam Học Bệnh viện Bình Dân TPHCM tham gia cộng tác tại Khoa. Cảm thấy đây là một hướng đi mới mẻ và ngành Nam Khoa có nhiều điều hay nên tôi quyết định về công tác tại Khoa Nam Học Bệnh viện Bình Dân.
Làm việc trong một chuyên ngành khá đặc thù, hẳn một bác sĩ Nam khoa cũng cần phải có những kỹ năng đặc biệt mới có thể điều trị các bệnh lý thầm kín, khó nói của cánh mày râu?
Ngành Nam khoa có điểm đặc thù là chuyên về lắng nghe về các bất thường của quý ông về “chuyện ấy” hay những vấn đề tế nhị của “cậu nhỏ”. Như vậy, bác sĩ nam khoa phải là một người thật sự am hiểu về tâm lý người bệnh bởi không phải ai cũng có thể thổ lộ nỗi niềm của mình cho người khác, nhất là người dân ở các nước phương Đông như Việt Nam.
Để trở thành một bác sĩ nam khoa giỏi, trước hết bác sĩ phải có chuyên môn giỏi. Như câu nói nổi tiếng của Lê-nin, một bác sĩ giỏi cũng cần phải “học, học nữa, học mãi”. Ngày trước, bác sĩ học kiến thức ở trường, sau này đi làm thì học từ bệnh nhân, sách vở, các bài báo khoa học, nghiên cứu hoặc từ các chuyên đề hội thảo.
Đặc biệt, một yếu tố tiên quyết mà bác sĩ nam khoa cần phải có đó là sự thấu hiểu người bệnh. Bác sĩ không chỉ khám xong rồi cứ áp dụng những phác đồ điều trị đơn thuần là A + B = C cho bệnh nhân, mà hơn hết bác sĩ cần lắng nghe người bệnh vì có rất nhiều vấn đề nam khoa, các rối loạn thiên về tâm bệnh nhiều hơn. Chẳng hạn như nếu bệnh nhân rất stress về cuộc sống gia đình vì những vấn đề nam khoa thì có thể dẫn đến đổ vỡ gia đình hoặc chia tay.
Nếu bác sĩ nam khoa am hiểu về tâm lý thì càng tốt. Khi còn tu nghiệp tại Mỹ, tôi thấy rằng quốc gia này thậm chí còn có cả những chuyên gia về điều trị tâm lý tình dục cùng phối hợp với bác sĩ nam khoa để đưa ra những phác đồ điều trị toàn diện cho bệnh nhân.
Một điều đáng tiếc là những chuyên khoa đó hiện tại vẫn chưa có tại Việt Nam. Do đó, bác sĩ nam khoa như chúng tôi cần phải lồng ghép vấn đề tâm lý hành vi trong điều trị rối loạn tình dục khi thăm khám cho người bệnh.
Đây cũng là một thách thức và hy vọng rằng trong tương lai, với sự phát triển ngày càng sâu và rộng hơn, ngành Y tế nước ta sẽ có thêm các chuyên khoa sâu như vậy.
»»» Xem thêm: PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng TPHCM
Vậy đối với ThS.BS Lê Vũ Tân, điều khó khăn nhất khi thăm khám, điều trị những bệnh lý nam khoa là gì?
Điểm khó khăn nhất khi thăm khám bệnh nhân nam khoa đó là tâm lý ngại ngùng. Khi bệnh nhân bước vào gặp bác sĩ thì phần nào đó họ đã tin tưởng bác sĩ rồi, song điều quan trọng là người bác sĩ cần biết cách nói chuyện như thế nào để bệnh nhân có thể chia sẻ hết những vấn đề sâu thẳm trong lòng mình. Có như vậy, bác sĩ mới có thể đưa ra những chẩn đoán chính xác được. Chính việc chẩn đoán chính xác đó mới tạo nên sự tin tưởng.
Một điều mà tôi vẫn thường chia sẻ với các bác sĩ trẻ hay các học viên của mình đó là phải ân cần khi thăm khám cho bệnh nhân chứ không thể nào khám hời hợt, qua loa hoặc đùa cợt trên bệnh tình của bệnh nhân. Có những trường hợp bệnh nhân bị dị tật, nếu bác sĩ vô tình lỡ lời hay đùa cợt thì sẽ để lại tâm lý tự ti vô cùng nặng nề cho người bệnh.
Trong hơn 10 năm gắn bó với chuyên khoa Nam học, đối với bác sĩ Lê Vũ Tân, trường hợp bệnh lý nam khoa nào khiến bác sĩ “sợ” nhất?
Có nhiều trường hợp liên quan đến bệnh lý nam khoa mà tôi rất “sợ” vì bệnh cảnh cực kỳ nặng nề, chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân bị cắt lìa dương vật, mất da toàn bộ cơ quan sinh dục, bị bướu xâm lấn hoặc sùi mào gà khổng lồ. Nói “sợ” ở đây nghĩa là những thách thức và chúng tôi cố gắng cố gắng hết sức để điều trị cho người bệnh, dù thời gian phẫu thuật có thể lên đến 7 hay 8 tiếng.
Một điều đáng sợ nữa là những trường hợp chưa có phương án giải quyết cụ thể cho người bệnh. Ví dụ như ung thư giai đoạn cuối, bệnh nhân đến với bác sĩ rất trễ nên chúng tôi không thể nào giúp cho họ sống lâu hơn được.
Hoặc những trường hợp bị vô sinh hiếm muộn, người chồng có tinh hoàn teo nhỏ, bị những bất thường về gen hay không có tinh trùng cũng là những vấn đề nan giải đối với bác sĩ nam khoa. Chúng tôi rất trăn trở vì không thể nào giúp người bệnh có con bằng chính tinh trùng của mình, họ phải xin tinh trùng từ người khác.
Trong số các bệnh lý của “quý ông”, bệnh lý nào làm khó bác sĩ Lê Vũ Tân nhất?
Bệnh lý khó điều trị nhất trong ngành nam khoa đó là yếu sinh lý kèm theo các rối loạn tâm lý. Yếu sinh lý là một từ dân gian mô tả rất nhiều bệnh nam khoa như rối loạn cương, xuất tinh sớm, giảm ham muốn hoặc không có con.
Trường hợp khó nhất có lẽ là những trường hợp yếu sinh lý kèm theo những rối loạn tâm lý, tức người bệnh luôn luôn mặc cảm, tự ti về khả năng “giường chiếu” hoặc kích cỡ “cậu nhỏ” của mình.
Khi thăm khám, mặc dù kết quả xét nghiệm cho thấy cơ quan sinh dục của họ bình thường và bác sĩ phân tích rằng đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng vẫn rất khó để giúp bệnh nhân thoát khỏi những mặc cảm.
Đây là những trường hợp vô cùng khó và bác sĩ phải dành rất nhiều thời gian bởi vì nếu chỉ khám qua loa rồi cho thuốc thì bệnh nhân sẽ tìm nơi khác để chữa trị. Nếu không may họ tìm đến những phòng khám không chính thống, được tư vấn làm những phương pháp điều trị không cần thiết thì sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề trên cơ quan sinh dục.
ThS.BS Lê Vũ Tân là một trong những bác sĩ bắt nhịp với xu hướng của giới trẻ khá nhanh, sở hữu kênh tiktok với hơn 300.000 người theo dõi và nhiều kênh truyền thông khác. Vậy khi quyết định những xây dựng các kênh truyền thông này, mục tiêu mà bác sĩ muốn hướng đến là gì?
Việc xây dựng các kênh truyền thông là điều mà tôi đã học hỏi được khi tu nghiệp tại Mỹ. Lúc đó, tôi nhận thấy rằng mỗi bác sĩ ở Mỹ đều song hành cùng công tác truyền thông như viết báo, tư vấn trên các chương trình sức khoẻ, đó được xem như là một phần trong công việc của họ.
Khi về Việt Nam, tôi nhận thấy một thực trạng đáng buồn là nhiều người bệnh nam khoa không biết nên đi khám ở đâu, từ đó dễ tìm đến những phòng khám không chính thống để rồi “tiền mất tật mang”. Hoặc có những trường hợp không cần điều trị như chuỗi hạt ngọc, da quy đầu dài, nếu người dân biết điều đó thì sẽ đỡ phải tốn thời gian, công sức và tiền bạc để đi khám ở những nơi không uy tín.
Do đó, tôi đã quyết định xây dựng các kênh truyền thông để phần nào giúp cộng đồng, nhất là nam giới hiểu biết rõ hơn về những vấn đề “khó nói”.
Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình cần chia sẻ kiến thức vì không phải ai cũng biết những vấn đề này. Tôi nghĩ chắc chỉ khoảng một lượng nhỏ người xem vì các vấn đề nam khoa cũng khá chuyên sâu. Ấy vậy mà, bỗng dưng một ngày tôi thấy có rất nhiều người xem và hưởng ứng các video đó.
Đông đảo bạn trẻ khi xem những video thì mới giật mình nhận ra vấn đề của họ là điều bình thường. Ngày càng có nhiều người biết tôi hơn, người xem cũng bình luận sôi nổi các vấn đề mà họ đang gặp phải, nhờ tôi giải đáp. Mọi sự ủng hộ đến với tôi một cách bất ngờ khiến tôi rất vui.
Dần dà, các anh chị phóng viên, nhà báo cũng biết đến và mời tôi chia sẻ trong những buổi talkshow về những chủ đề nam khoa “hot” trong từng thời điểm. Có thể thấy, việc truyền thông về những bệnh lý nam khoa là vô cùng quan trọng, đặc biệt là bác sĩ phải chia sẻ những kiến thức đúng đắn cho cộng đồng.
»»» Xem thêm: TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam
BS Lê Vũ Tân có những trăn trở gì về tình hình các bệnh lý nam khoa hiện nay?
Hiện tại, Việt Nam vẫn còn thiếu những chương trình giáo dục giới tính nên những quan điểm của người dân về bệnh lý nam khoa, đặc biệt là kiến thức quan hệ tình dục an toàn không nhiều khiến cho tỷ lệ bệnh xã hội gia tăng rất nhiều.
Mặc khác, một số người vẫn chưa có được kiến thức ngừa thai an toàn nên rất dễ có thai ngoài ý muốn.
Bên cạnh đó, vấn đề điều trị nam khoa, hiếm muộn hiện nay ở Việt Nam chưa có phác đồ thống nhất, bác sĩ nam khoa sẽ nhìn về một hướng và bác sĩ hiếm muộn sẽ nhìn về hướng khác nên không có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 chuyên ngành này. Điều này khiến cho những cặp vợ chồng hiếm muộn không tiếp cận được những cập nhật mới nhất hiện nay.
Chẳng hạn như, người chồng có tinh trùng quá ít vẫn có thể cải thiện được tinh dịch đồ với những phương pháp điều trị nam khoa hiện đại nhưng đôi khi bác sĩ hiếm muộn lại tiến hành thụ tinh ống nghiệm luôn nên có thể khiến người chồng thiệt thòi vì không được hưởng những chương trình điều trị nam khoa, mặc dù chi phí điều trị có thể thấp hơn.
Bác sĩ Lê Vũ Tân đánh giá thế nào về thực trạng điều trị bệnh lý nam khoa tại Việt Nam hiện nay?
Việt Nam là nước đang phát triển nên ngành nam khoa cũng dần hội nhập với thế giới. Ngành nam khoa thế giới đã xuất hiện khoảng 70 – 80 năm và nước ta mới hội nhập khoảng 20 – 30 năm.
Mặc dù vậy, tôi thấy rằng nước ta cũng đã sở hữu những kỹ thuật tiên tiến, có những chương trình đào tạo mời giáo sư nước ngoài, chuyên gia nổi tiếng tham gia hoặc những khoá phẫu thuật đào tạo chung với bác sĩ ở Việt Nam. Như vậy, khoảng cách đã từ từ rút ngắn dần và không còn quá chênh lệch như ngày xưa nữa.
Những kỹ thuật tiên tiến mà nước ngoài đã thực hiện thì Việt Nam cũng đã thực hiện được rồi, chẳng hạn như mổ vi phẫu dưới kính hiển vi.
Tôi hy vọng rằng nước ta sẽ sẽ có nhiều bác sĩ đầu vào chuẩn và tập hợp lại để cùng nhau nghiên cứu, viết những bài báo quốc tế để thế giới biết nhiều đến ngành nam khoa ở Việt Nam hơn, đồng thời nhận thấy rằng ngành Nam khoa ở Việt Nam cũng tiệm cận được với thế giới.
Nhìn chung, tôi thấy rằng ngành nam khoa nước ta cũng đã theo kịp các nước trong khu vực và châu Á.
ThS.BS Lê Vũ Tân có thể chia sẻ thêm những dự án hiện tại và tương lai mà bác sĩ đang theo đuổi?
Hiện tại, đối với dự án truyền thông, tôi đang cố gắng tiếp tục xây dựng nhiều nội dung hữu ích, mới lạ nhằm giúp đem lại những kiến thức cho các bạn trẻ hơn.
Tôi cũng đang học nghiên cứu sinh năm cuối cùng ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và hi vọng sẽ sớm hoàn thành chương trình đạo tạo này.
Ngoài ra, tôi còn đang tham gia một dự án nghiên cứu cùng với các chuyên gia nam khoa trên thế giới trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn nam. Chúng tôi cập nhật các nghiên cứu khoa học, những phác đồ điều trị nam khoa mới nhất hiện nay, rồi cùng thảo luận và viết ra những quyển textbook về nam khoa để xuất bản trên thế giới.
Bài và thiết kế: Anh Thi – AlobacsiGioi.vn
- Từ khóa:
- AloBacsi
- AloBacsi giỏi
- chân dung bác sĩ Lê Vũ Tân
- Kênh thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi
- Nam khoa
- ThS.BS Lê Vũ Tân