TS.BS Phạm Hùng Vân: “Chiến binh” tiên phong các giải pháp xét nghiệm thời kỳ đầu ở Việt Nam

TS.BS Phạm Hùng Vân

Ngưỡng mộ nhà phát minh Thomas Edison từ nhỏ, chàng trai Phạm Hùng Vân cũng từng mộng mơ có thể trở thành nhà khoa học chế tạo ra hàng ngàn phát minh hữu ích, ứng dụng cho đời.

Song, sau khi đậu tú tài, ông vào Sài Gòn thi đại học nhưng không may trượt hết các nguyện vọng. Lúc này, ông quyết định ghi danh học dự bị tại trường Đại học Khoa học để có thể tiến sâu vào con đường nghiên cứu mà mình yêu thích.

Trùng hợp vào thời điểm đó, kỳ thi tuyển của trường Đại học Y dược TPHCM cũng diễn ra, ông quyết định “đánh liều” thi thử nhưng cũng không trông đợi nhiều rằng mình sẽ đậu.

May mắn thay, người con miền Trung ngày ấy đã lọt vào tốp 200 sĩ tử đậu vào trường Đại học Y Dược. Những năm 70 của thế kỷ trước, ông là một trong số ít những người con hiếu học vùng rốn lũ đỗ đạt vào trường Đại học Y dược danh tiếng đất Sài thành.

Mong muốn được học tại trường Đại học Y dược TPHCM càng được thôi thúc khi ông tham quan trường. “Lúc đó, tôi tự nói với lòng rằng “không thể không học được” vì trường giống như một khách sạn 5 sao vậy, cái gì cũng đẹp, cũng thơm” – ông cho hay.

Mặc dù không thích học bác sĩ nhưng ông lại rất thích làm ở phòng thí nghiệm. Thế là, chàng sinh viên năm 2 đã quyết tâm theo đuổi chuyên khoa vi trùng học dù bị “ông bà già” hết mực ngăn cản.

Với ông, ngành vi trùng học mang một nét lãng mạn lạ kỳ: “Tôi thấy đây là ngành đặc biệt lắm vì mỗi phản ứng không phải vài chục phút là có kết quả liền mà phải chờ đến hôm sau. Việc chờ đợi như thế khiến tôi rất phấn khích, giống như chờ người yêu vậy. Mặc dù lúc đó tôi chưa có người yêu nhưng tưởng tượng ra như thế” – ông cười chia sẻ.

Ngày ra trường, ông tiếp tục gắn bó cùng trường Đại học Y dược TPHCM với vai trò là cán bộ giảng. Thời điểm ấy cũng là lúc miền Nam giải phóng, sau năm 1975 mọi thứ đều bị cấm vận nên ngành vi sinh cũng rơi vào hoàn cảnh thiếu trước hụt sau.

Lúc này, chàng sinh viên mới ra trường đã nảy ra ý tưởng tự sáng chế các thiết bị để có thể phục vụ cho ngành vi sinh, cung cấp cho các phòng thí nghiệm và bệnh viện. Từ những ý tưởng len lỏi ban đầu, ông bắt tay vào “nấu món ăn đầu tiên” – đĩa giấy kháng sinh.

TS Hùng Vân cho biết: “Ngành vi trùng quan trọng nhất chính là “bắt” được con vi trùng. Mình phải trả lời cho bác sĩ biết là con vi trùng gì, nó nhạy với kháng sinh gì. Muốn biết điều này, cần phải có đĩa giấy tẩm kháng sinh để thử”.

Thành công nhờ phát triển đĩa giấy kháng sinh cung cấp khắp các nơi trên cả nước, nhiều người biết đến trường Đại học Y dược TPHCM có bộ môn y sinh và tìm mua các giải pháp xét nghiệm. Từ đó, ông tiếp tục sáng chế thêm chai cấy máu, tăm bông lấy mẫu, xét nghiệm định danh vi khuẩn… Đó chính là những bước khởi đầu để ông xây dựng hệ thống vi sinh.

Năm 1996, ông xây dựng phát triển phòng thí nghiệm sinh học phân tử của trường Đại học Y Dược TPHCM trở thành một phòng thí nghiệm y sinh học hữu dụng nhất trong chẩn đoán và nghiên cứu của nhà trường. Với ông, đây cũng là một “nhà bếp lớn” để chế biến “món ăn” cung cấp cho các phòng xét nghiệm và bệnh viện bạn.

Cũng chính nhờ tính chịu khó mày mò học hỏi, ông được chọn là 1 trong 3 người đi tu nghiệp ở Hà Lan trong vòng 4 tháng để học về miễn dịch học quốc tế. Bước ngoặt lớn này đã giúp ông đem lại nhiều phát minh hữu ích cho ngành vi sinh tại Việt Nam như xét nghiệm giúp phát hiện những tác nhân gây viêm màng não mủ mà chưa ai làm được.

Cụ thể, bác sĩ chỉ cần lấy khoảng 4 – 5 giọt nước não tuỷ rồi bỏ vào thuốc thử, trong vòng 3 phút đã có thể biết được loại vi trùng nào gây viêm màng não mủ.

Vào thời điểm đó, công nghệ vẫn chưa phát triển song nhu cầu chẩn đoán tác nhân gây viêm màng não mủ lại rất cao. Phát minh của TS Hùng Vân ra đời như một biện pháp “cứu cánh” lúc bấy giờ, mở ra kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị viêm màng não mủ.

Mặc dù không được hướng dẫn chi tiết cách sáng chế nhưng người bác sĩ ham học hỏi ấy đã thành công nhờ mày mò, vận dụng các kiến thức cơ bản đã học được.

“Trong bất kỳ lĩnh vực gì, chúng ta đều phải đào sâu, tìm hiểu thật kỹ mới có thể hiểu, phải hiểu rõ mới vận dụng được”, TS Hùng Vân nhận định.

TS.BS Phạm Hùng Vân

Đến nay, nhà khoa học Phạm Hùng Vân đã cống hiến cho đời nhiều nghiên cứu hữu ích như bộ xét nghiệm giúp xác định 44 tác nhân gây bệnh tiêu chảy, bộ 75 tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp, bộ 14 tác nhân về bệnh lây truyền đường tình dục hay bộ 80 tác nhân gây viêm màng não mủ…

Dù sở hữu hàng loạt thành tựu đáng ngưỡng mộ, song ông chỉ nhận mình là một “kỹ sư”, chỉ cần biết lắp ráp mỗi thứ một ít sẽ làm nên điều diệu kỳ.

TS.BS Phạm Hùng Vân

Ngấp nghé tuổi 70, tóc đã điểm sương, ông nhất quyết không chịu thua tuổi tác mà vẫn lăn xả tham gia nghiên cứu các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy, COVID-19…: “Tôi không muốn nghỉ việc vì tôi nghỉ thì sẽ mau chết. Lớn tuổi rồi, mình mà không làm gì thì mau suy lắm, dễ bị Alzheimer nữa. Nhiều người cứ khuyên tôi nghỉ đi nhưng nếu nghỉ thì mình ở nhà làm gì? Nằm nhiều thì dễ đau lưng mà thôi”.

Không những thế, ông còn sẵn sàng tài trợ cho các trường đại học, sinh viên nghiên cứu giải pháp xét nghiệm mới để phục cho ngành Y ở Việt Nam. Bên cạnh đó, TS Hùng Vân cũng ghi chép lại những kinh nghiệm của mình tích lũy trong gần 50 năm thành các quyển sách để những thế hệ sau có thể học tập.

Điều quan trọng mà ông vẫn luôn nhắc nhở các “truyền nhân” của mình là “muốn làm vi sinh thì phải có lâm sàng”. Bởi lẽ, trong một số trường hợp, nhà nghiên cứu có thể tìm ra được loại vi trùng nào đó khi cấy máu nhưng thực tế bệnh nhân hoàn toàn không có mà chỉ do kết quả bị ảnh hưởng vì ngoại nhiễm. Do đó, nếu không xông pha vào lâm sàng mà chỉ “đóng đinh” ở phòng thí nghiệm thì bác sĩ chuyên khoa vi trùng học sẽ khó có thể giỏi được.

Từ chàng trai kém may mắn, trượt các trường đại học mơ ước ở Sài Gòn, nếu ông đầu hàng, đã không có một bác sĩ – nhà khoa học tài ba như ngày hôm nay.

Nếu ngày trước, chàng sinh viên Y khoa chấp nhận an phận trở thành một bác sĩ như mong ước của bố mẹ, không theo đuổi tới cùng chuyên khoa vi trùng học, đã không có một nhà khoa học khởi xướng cho sự phát triển của ngành vi sinh Việt Nam.

Nếu BS Hùng Vân khi ấy chỉ biết thở dài ngao ngán trước thực trạng thiếu thốn vật chất những năm 1975, đã không có một nhà tiên phong các giải pháp xét nghiệm cho hàng loạt bệnh viện trên cả nước, vực dậy lại ngành vi sinh thời bấy giờ.

Nếu chấp nhận đi theo lối mòn, ông đã không thể phát hiện ra viêm gan bí ẩn có thể do tiêu chảy gây ra chứ không phải do virus adeno 41; hay tìm ra giải pháp giúp xác định hàng loạt các tác nhân gây tiêu chảy, sốt xuất huyết, lao…

“Nhà tôi có trồng một cây lộc vừng, thân của nó đổ xuống rồi đi lên. Tôi rất thích cây đó vì thấy nó cũng hơi giống mình, tức là ra đời có lúc cũng bạc bẽo nhiều nhưng vẫn cố ngoi lên bằng nghị lực của bản thân.”, TS Hùng Vân chia sẻ.

Dù trải qua bão tố vùi dập, cành lá nghiêng đổ, “cây lộc vừng” ấy vẫn vững chãi vươn lên giữa nắng mai.

TS.BS Phạm Hùng Vân

“Tôi nghĩ con người sống để tiến thân vào xã hội nhưng điều cơ bản nhất chính là gia đình thôi. Bởi nếu mình có tiến thân đến đâu chăng nữa nhưng gia đình không hạnh phúc, con cái không thành đạt, không có được cuộc sống như ý thì cũng có gì vui vẻ đâu. Vậy nên, với tôi, gia đình rất quan trọng” – TS Hùng Vân chia sẻ

Có lẽ vì lý do đó mà trên trang cá nhân của ông luôn ngập tràn những hình ảnh hạnh phúc của gia đình.

TS.BS Phạm Hùng Vân

Không những vậy, ông còn là nguồn cảm hứng cho các con theo đuổi ngành Y. Gần 50 năm công tác trong ngành vi trùng học, TS Phạm Hùng Vân chưa bao giờ than phiền về công việc của mình trước mặt các con vì bản thân ông luôn tìm ra những điều thú vị, sự toàn diện của ngành Y.

Theo ông, nghề Y là nghề phải học suốt đời vì các tác nhân gây bệnh ngày càng thay đổi nên người học Y nếu ngừng lại sẽ không thể nào tiến được.

Hơn hết, ranh giới đạo đức và phi đạo đức của nghề Y cũng vô cùng mong manh, thế nên bác sĩ phải vững tâm để có thể đi đúng đường.

Đó cũng chính là lý do mà TS Phạm Hùng Vân vẫn luôn nhắc nhở con trai đang làm bác sĩ ở Úc rằng: “Điều quan trọng không phải là con kiếm được bao nhiêu tiền mà đồng tiền con kiếm ra được phải xuất phát từ tri thức, chứ không phải vì con làm kinh doanh giỏi”.

Đó cũng là tôn chỉ của người thủ lĩnh Phạm Hùng Vân khi ông điều hành Công ty NK-BIOTEK – nơi ông đang ngày ngày truyền lửa cho những chiến binh tinh nhuệ nhất của mình.

Mới đây, có 2 cháu bé bị viêm phổi thở máy và bị nhiễm trùng huyết. Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Công ty NK-BIOTEK để làm xét nghiệm MPL-rPCR. Kết quả hai mẫu đều phát hiện nhanh chóng, chính xác tác nhân gây bệnh, từ đó bác sĩ đã điều trị kháng sinh trúng đích rất sớm. Hiện nay cả hai bệnh nhi đã cai được thở máy và hi vọng sẽ rất khả quan. TS.BS Phạm Hùng Vân lại cất lên những vần thơ đầy cảm hứng:

Bài: Anh Thi – Hồng Nhung – AloBacsiGioi.vn

Thiết kế: Anh Thi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *