TS Lê Khánh Điền, chuyên gia ngôn ngữ trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ

TS Lê Khánh Điền: Chinh phục chuyên ngành mới để lấy lại ngôn ngữ cho người đột quỵ

First, do no harm – Trước hết, không làm điều có hại cho bệnh nhân”. Lời thề Hippocrates lúc tốt nghiệp luôn vang mãi trong tim TS Lê Khánh Điền. Muốn không gây tổn hại cho người bệnh, thầy thuốc phải học hỏi không ngừng nghỉ. Muốn cứu bệnh nhân, phải học mười làm một.

Đó là lý do ông lấy học bổng đi học ở Nhật, ở Úc nhiều năm liền, học đến lúc trở thành thầy trên bục giảng trường Y nước ngoài vẫn khát khao mở mang thêm kiến thức để “giúp cho người bệnh một cách tốt nhất”.

Là một trong những người tiên phong dấn thân vào chuyên ngành mới, TS Lê Khánh Điền bền bỉ trau dồi kiến thức về ngôn ngữ trị liệu, từ mày mò sách vở, theo học khóa đầu tiên tại Việt Nam, rồi du học nước ngoài.

Trở về, ông bố trí khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện An Bình để khoa có thể hoạt động thuận tiện và hiệu quả như một trung tâm Phục hồi chức năng “chuẩn” ở các nước đã có nhiều năm phát triển lĩnh vực này.

Nếu phải chọn lựa giữa nói và đi, tôi tin người bệnh đột quỵ sẽ ưu tiên phục hồi ngôn ngữ

“Sinh hoạt thường ngày” nghe chừng đơn giản nhưng lại quý giá vô cùng với những người bệnh đột quỵ phải chịu di chứng nặng nề. Chỉ khi nằm liệt một chỗ, mới hiểu giá trị của một bước chân. Chỉ khi không thể thốt ra dù chỉ một từ, mới hiểu nỗi bức bối khi muốn diễn đạt ý nghĩ, cảm xúc của mình, ngay cả với những nhu cầu cơ bản (đói, mệt, ăn, uống, đau…).

Thời điểm 10 năm trước, hầu như các trung tâm phục hồi chức năng (PHCN) cho người đột quỵ chỉ có vật lý trị liệu, đây là lĩnh vực chuyên sâu, không thể thiếu để giúp bệnh nhân lấy lại vận động, khả năng di chuyển, tuy nhiên PHCN có phạm vi rộng lớn hơn.

Có thể nói, những lĩnh vực góp phần giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống thường ngày thuộc về PHCN khá đa dạng: vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, tâm lý trị liệu, công nghệ trợ giúp… hỗ trợ lấy lại những chức năng mà bệnh nhân bị tổn thương trước đó, hoặc những chức năng đáng lý bệnh nhân phải có ở độ tuổi đó.

TS Lê Khánh Điền tư vấn cho bệnh nhân tại khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình

Là trưởng khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện An Bình (TPHCM), TS Lê Khánh Điền chứng kiến từng bước chật vật để hồi phục của bệnh nhân sau đột quỵ. Ông nhận thấy: “Nếu phải chọn lựa giữa nói và đi, tôi tin người bệnh đột quỵ sẽ ưu tiên phục hồi ngôn ngữ bởi nhu cầu biểu đạt lời nói, cảm xúc của họ rất cao”.

Không nói được, người bệnh đột quỵ bị mất đi nhiều quyền lựa chọn. Người nhà nấu gì ăn nấy, đưa gì mặc nấy. Có gia đình thấy bệnh nhân đến bữa ăn cứ ú ớ nhưng tận mấy ngày sau mới hiểu được ông thèm canh khổ qua dồn thịt, vì khi món này được bưng lên, ông tỏ vẻ vui mừng.

Ưu tiên chức năng ngôn ngữ cũng hợp lý nếu như trong điều kiện máy móc tối tân, một người bị liệt toàn thân chỉ bằng lời nói ra lệnh vẫn có thể điều khiển được các thiết bị điện tử xung quanh phục vụ cho mình.

Đó là điều mà TS Lê Khánh Điền đã thấy trong những chuyến du học nước ngoài. Công tác PHCN của họ rất toàn diện, chu đáo, những thiết kế công cộng luôn chú ý đến người khuyết tật. Càng ngưỡng mộ nước bạn càng thương bệnh nhân của mình. Ông ao ước, và quyết tâm: “Người nước mình cũng phải có điều kiện tiếp cận như vậy!”.

Câu nói nhẹ nhàng, ấm áp chứa đựng hành trình của 3 lần du học trong đó có 4 năm học tiến sĩ ở Úc.

Trở về Việt Nam, ông bố trí khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện An Bình theo mô hình có thể hoạt động thuận tiện và hiệu quả như một trung tâm phục hồi chức năng “chuẩn” ở các nước đã từng có nhiều năm phát triển lĩnh vực này: khu vật lý trị liệu; khu ngôn ngữ trị liệu cho người lớn và trẻ em; khu hoạt động trị liệu (buồng ngủ, gian bếp, nhà vệ sinh…) để bệnh nhân tự làm được các thao tác sinh hoạt tại nhà.

Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình theo mô hình một trung tâm phục hồi chức năng “chuẩn”

Đẹp nhất ở bức tranh do người bệnh đột quỵ vẽ là nghị lực và cảm xúc chứa đựng trong đó

Nổi tiếng nhất ở khoa Phục hồi chức năng, được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin là lớp Hội hoạ – giao tiếp và lớp thư pháp miễn phí dành cho người bệnh đột quỵ. Thông qua hội họa giao tiếp, họ được sinh hoạt nhóm với nhau, nhìn nhau tiến bộ từng ngày.

TS Lê Khánh Điền giải thích thêm: bộ não của chúng ta, bán cầu phải thiên về sáng tạo, bán cầu trái thiên về lý luận. Khi bệnh nhân tổn thương não trái, nếu được tập luyện não phải, khi não phải tốt hơn sẽ có khả năng sức mạnh choàng gánh cho não trái, chức năng của bệnh nhân có cơ hội hồi phục tốt hơn (và ngược lại).

Thoạt đầu, chính người nhà của bệnh nhân cũng nghi ngại: “Chồng tôi đi không được, tay thì liệt, cầm cây bút không nổi làm sao mà vẽ?”. Nhưng khi đến với buổi triển lãm tranh do khoa tổ chức, nhìn ngắm thành quả của chồng, của anh – em mình, họ bật khóc.

TS Khánh Điền kể về những nỗ lực của tác giả bức tranh

Với TS Lê Khánh Điền: “Đẹp nhất trong bức tranh do người bệnh đột quỵ vẽ là nghị lực và cảm xúc của họ đặt vào đó”. Tay phải bị liệt thì vẽ bằng tay trái, một buổi chưa xong thì 4-5 buổi cũng xong. Có những người bệnh từ tỉnh khác, hằng tuần đều đặn đón xe đến với lớp Hội hoạ – giao tiếp.

Nếu đơn thuần là vẽ thì họ có thể học ở bất cứ đâu. Nhưng chỉ khi đến với lớp Hội hoạ – giao tiếp của Bệnh viện An Bình, họ mới được tiếp thêm động lực, nhận được niềm vui. Các cô chú bệnh nhân thương mến những em sinh viên mỹ thuật như con cháu mình. Và khi người bệnh trở về nhà với tâm trạng tích cực thì gia đình họ cũng vui lây.

Đó cũng là thêm điểm cộng của lớp học, bởi vì không chỉ người bệnh đột quỵ mà người thân, gia đình của họ cũng rất cần được nâng đỡ cả tinh thần và thể chất.

Lớp Hội họa – giao tiếp miễn phí dành cho bệnh nhân mất ngôn ngữ, khó khăn trong giao tiếp diễn ra vào thứ sáu hàng tuần, từ 8h30-10h30. Ngoài ra khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình còn có lớp thư pháp miễn phí, tổ chức vào thứ năm hàng tuần, từ 9h-10h (ảnh tư liệu)

Dấn thân vào chuyên ngành mới, phải học nhiều vì “trước tiên là không làm hại”

Nhớ lại 17 năm trước, khi TS Lê Khánh Điền chứng kiến nhiều bệnh nhân sau đột quỵ và chấn thương sọ não bị rối loạn ngôn ngữ và rối loạn nuốt. Cái dây thanh bé xíu mà lại liên quan đến 3 chức năng quan trọng: nói, nuốt, thở. Không chỉ á khẩu mà họ còn khó nuốt, miệng không ngậm lại được nên cằm ướt nhễu nhão, thậm chí bị sặc với nước bọt của chính mình.

Nỗi bất lực khi thấy người bệnh khổ sở mà mình không giúp gì được đã thôi thúc ông phải tìm tài liệu. Đọc những cuốn sách từ thập niên 1940, 1950 trong thư viện trường ĐH Y dược TPHCM, rất khó hiểu với các thuật ngữ lạ, ông cũng không biết hỏi ai vì thời điểm đó lĩnh vực này ở Việt Nam chưa được quan tâm.

Năm 2010, cơ hội đến với ông, khi Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – hiệu trưởng khi ấy là PGS Nguyễn Thị Ngọc Dung – tuyển sinh khóa học 2 năm về Âm ngữ trị liệu (ngày nay Bộ Y tế thống nhất tên gọi Ngôn ngữ trị liệu).

Tại buổi phỏng vấn tuyển sinh, Khánh Điền suýt… rớt vì ông kể rõ lịch làm việc dày đặc của mình khiến 3 vị giám khảo băn khoăn không biết thí sinh này có thời gian theo đuổi khóa học hay không. Nhưng tinh thần quyết tâm học hỏi đã giúp ông có được tấm vé đầu vào, và kết quả xuất sắc đầu ra.

Sau đó ông có được Học bổng Học Mãi (Hoc Mai Australia – Vietnam Medical Foundation) đi học ở Sydney. TS Khánh Điền khẳng định: “Đối với ngành Y phải học mười làm một, không thể  học một làm mười. Học ít dễ làm sai. Mà lời thề Hippocrates có câu “First, do no harm” (trước tiên là không làm hại bệnh nhân)”.

Rồi cơ duyên lại đến lần nữa, ông có được học bổng 4 năm, chương trình tiến sĩ ở Trường Đại học Newcastle, Úc.

Chuyến du học lần 3: Học bổng tiến sĩ (University of Newcastle, Australia)

Nhìn lại hành trình nhiều năm học tập xa nhà, TS Khánh Điền mừng vì giờ đây ngôn ngữ trị liệu đã được đào tạo chính quy ở một số trường đại học trong nước, cung ứng thêm nhân sự cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện tại đây vẫn còn là chuyên ngành mới mẻ và chỉ một số bệnh viện mới có, số bệnh nhân tiếp cận được cũng chưa nhiều.

Trăn trở vì chưa nhiều người bệnh đột quỵ tiếp cận phục hồi chức năng sớm và đủ

Điền ơi, chồng chị đột quỵ 3 năm rồi, giờ mới biết đến hoạt động Phục hồi chức năng chỗ em”.

Nỗi tiếc nuối của chị người nhà bệnh nhân đó, TS Lê Khánh Điền nhớ mãi. Hai vợ chồng đều là người thành đạt, có nhiều mối quan hệ. Nhưng khi người chồng bị đột quỵ không nói được, để PHCN cho anh, chị liên hệ khắp nơi, đưa anh đi khắp chốn đều không cải thiện. Mãi 3 năm sau chị mới biết đến khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện An Bình!

Với người bệnh đột quỵ, thời gian phục hồi tốt nhất là 6 tháng đầu, nhiều năm sau đó quá trình hồi phục vẫn diễn ra từ từ, nhưng sau chuỗi ngày đằng đẵng “đi tùm lum tá lả mà không hiệu quả”, cả người bệnh lẫn người nhà đều kiệt quệ tinh thần. Thành ra, với anh bệnh nhân đó, việc PHCN đúng cách sau 3 năm vẫn chưa đem lại nhiều tín hiệu đáng mừng.

Vì vậy mục tiêu tiếp theo của vị trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình là làm sao để nhiều người biết đến lĩnh vực này, nhiều bệnh nhân đột quỵ được thụ hưởng quy trình PHCN chuyên sâu sớm và đầy đủ, để họ lấy lại các chức năng một cách tốt nhất.

Cuộc gặp giữa TS Lê Khánh Điền và kênh AloBacsi, hứa hẹn sẽ cùng chung tay lan tỏa thông tin về ngôn ngữ trị liệu và phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ

Sau đột quỵ, người ta trở lại thuở tập nói, tập nuốt, tập giao tiếp, tập đi… Quá trình học lại lần 2 các kỹ năng quan trọng của họ giờ đây đã được chắp thêm nhiều đôi cánh là những chuyên ngành mới của PHCN được các bác sĩ nỗ lực đưa về Việt Nam, chỉ vì một mục tiêu: trả người bệnh trở về càng nhiều càng tốt với cuộc sống đời thường.

Hồng Nhung – AloBacsi giỏi

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Quý khán giả có thể liên hệ với TS Lê Khánh Điền tại:

Khoa Phục hồi chức năng

Lầu 3, tòa nhà mới, BV An Bình Địa chỉ: 146 đường An Bình, Phường 7, Quận 5, TPHCM

Giờ làm việc: Thứ 2 – thứ 6:

– Sáng 7h –11h30

– Chiều: 13h – 16h30

ĐT: 0982 974 578

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *