1. Từ khó khăn trăm bề thời hậu bao cấp, Bệnh viện Thống Nhất bước “ra dân” để vững mạnh chuyên môn
Khó khăn thời hậu bao cấp là câu chuyện dài mà thế hệ y bác sĩ kỳ cựu của Bệnh viện Thống Nhất TPHCM sẽ nhớ mãi. Khi ấy, cơ chế thay đổi, bệnh viện từ chỗ được nhà nước bao cấp kinh phí hoạt động phải tự chủ một phần khiến cho thu nhập của cán bộ, viên chức giảm mạnh.
Cố GS.TSKH Nguyễn Mạnh Phan – giám đốc khi ấy từng nói trên truyền hình về vấn đề chảy máu chất xám khỏi Bệnh viện Thống Nhất. Việc tuyển người về rất khó mà người ra đi thì không ngừng. Thậm chí có lúc ban giám đốc từ chối tiếp nhận đơn thôi việc, bởi vì nếu cho nghỉ nữa thì sẽ thiếu hụt nhân sự trầm trọng.
Trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, GS Mạnh Phan nhắm đến một nhân tài mà ông tin tưởng sẽ lèo lái Bệnh viện Thống Nhất đi lên trong thời kỳ đổi mới là PGS.TS.BS Nguyễn Đức Công của Học viện Quân y. Thường xuyên dự các báo cáo khoa học mà PGS Công thuyết trình và đọc các bài báo của ông đăng trong và ngoài nước, GS Mạnh Phan rất có cảm tình với vị bác sĩ tuổi trẻ tài cao này.
3 năm tiếp theo, qua nhiều lần thương lượng giữa Bệnh viện Thống Nhất và Bộ Y tế với Bộ Quốc phòng và Học viện Quân y, đầu năm 2008, Đại tá PGS.TS.BS Nguyễn Đức Công mới chuyển công tác sang Bộ Y tế và được điều về làm phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, đến tháng 8/2008 chính thức trở thành giám đốc.
Việc đầu tiên Giám đốc Nguyễn Đức Công xắn tay vào làm là xây dựng hàng loạt quy chế: quy chế làm việc, quy chế giao ban, quy chế công tác dược, quy chế trực… trên nền quy chế của bệnh viện nói chung. Tiếp theo là xây dựng lại quy chế chi tiêu nội bộ: lương ra sao, thưởng thế nào, chế độ đi công tác…
Ban đầu mọi người quen với nếp nghĩ ngày trước nên cảm thấy khó thích ứng, thế là vị giám đốc xuất thân từ quân ngũ họp toàn bộ nhân viên lại để trả lời thắc mắc của cả tập thể. Ông yêu cầu mọi thành viên ý thức được thực trạng bệnh viện và điều kiện của nước nhà để quyết tâm tự lực tự cường, không trông chờ ngoại viện và nhắc nhở mọi người về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng và uy tín của bệnh viện.
Thấy tác phong của tân giám đốc luôn hứa gì làm nấy, lại rất sâu sát với anh em đồng nghiệp… dần dần mọi người hiểu được cách làm, cùng ghé vai gánh vác.
Thứ hai là việc đưa Bệnh viện Thống Nhất “ra dân”. Bấy giờ bệnh viện chỉ có 2 khoa Nội chung và Ngoại chung, giường bệnh chia làm 2 nơi: khu của cán bộ và khu của nhân dân, việc điều trị không theo chuyên khoa. PGS Nguyễn Đức Công bàn bạc cùng ban giám đốc, triển khai rất nhiều chuyên khoa mới: Cơ xương khớp, Nội tiết, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại thần kinh, Ngoại tim mạch lồng ngực… thu hút người dân đến điều trị. Cán bộ và nhân dân được điều trị theo chuyên khoa, thuận tiện cho việc chăm sóc.
Động lực của việc đưa bệnh viện ra dân, theo PGS Nguyễn Đức Công là: “Điều trị cho cán bộ vẫn là nhiệm vụ cơ bản phải hoàn thành, còn điều trị cho nhân dân thì có rất nhiều cơ hội để nâng cao trình độ. Bác sĩ mà không có nhiều bệnh nhân thì không bao giờ giỏi được”.
Trước đây, bệnh nhân đến với Bệnh viện Thống Nhất chỉ có các cụ già là cán bộ, nay thì cán bộ hay nhân dân đều có, già trẻ đủ cả. Công việc nhiều, thu nhập tăng lên, đời sống dần dần cải thiện. Bài toán nhân sự cũng được giải quyết, số người đi chững lại, số người đến nhiều hơn, việc tuyển dụng thuận lợi hẳn.
Hiệu quả của việc Bệnh viện Thống Nhất mở rộng cửa đón tiếp mọi đối tượng bệnh nhân có thể thấy bằng những con số biết nói: trước đây bệnh viện chỉ có 800-900 nhân viên, bây giờ là hơn 1300. Phòng khám ngày xưa mỗi ngày có 1000-1500 bệnh nhân, giờ ngày đông có thể lên đến 4000.
Khu khám dịch vụ trước đây mỗi ngày tiếp nhận 50-70-100 người, nay là 700-800-1000 người… Bệnh viện Thống Nhất cũng là đơn vị y tế đầu tiên giảm thời gian chờ khám bằng hình thức gọi điện thoại đăng ký ngày, giờ, phòng khám.
2. Đi vào mũi nhọn trở thành bệnh viện lão khoa lớn nhất miền Nam
Cùng với việc sắp đặt các quy chế, bố trí lại các khoa phòng, tập trung phát triển chuyên môn, kỹ thuật, tăng cường trang thiết bị, Giám đốc Nguyễn Đức Công còn cử các bác sĩ đi học thêm các chuyên khoa, đi báo cáo tại các hội nghị khoa học, đôn đốc mọi người viết báo khoa học. Từ đó, mỗi năm Bệnh viện Thống Nhất tổ chức 1 hội nghị khoa học, cách 2 năm làm một hội nghị Tim mạch lão khoa quốc tế, mời chuyên gia nước ngoài đến dự.
Bệnh viện từ chỗ chỉ có 2 phó giáo sư, khoảng 10 người là tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa 2, sau 11 năm đã có 1 giáo sư, 6 phó giáo sư, 60-70 tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa 2. Danh tiếng thay đổi hẳn. Ngày xưa mỗi tuần mổ vài ca, bây giờ số ca mổ mỗi ngày nhiều hơn một tuần trước đây cộng lại.
Hiện nay, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM có số lượng bệnh nhân lão khoa đông nhất so với khu vực. Bộ môn Lão khoa của Đại học Y dược TPHCM (GS Nguyễn Đức Công là phó chủ nhiệm), Bộ môn Lão khoa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (GS Công là chủ nhiệm), module Lão khoa của khoa Y – Đại học Quốc gia TPHCM (GS Công là chủ nhiệm) đều đặt trụ sở tại Bệnh viện Thống Nhất.
Nơi đây trở thành trung tâm để sinh viên các trường đến học và thực tập: Đại học Y dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y – Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Tân Tạo, Đại học Trà Vinh, Học viện Quân y…
Thế mạnh thứ hai của bệnh viện là tim mạch can thiệp, Phó giám đốc – PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng hiện là Chủ tịch Hội Can thiệp tim mạch Việt Nam.
Thế mạnh thứ ba là điều trị rối loạn nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM có thể xem là đứng đầu miền Nam về số lượng bệnh nhân và bề dày kinh nghiệm. Tất cả bệnh viện xung quanh khi triển khai đều cử bác sĩ đến đây học.
Ngoài 3 thế mạnh đó, về cơ bản các chuyên khoa còn lại của bệnh viện cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhìn lại những bước tiến mạnh mẽ của Bệnh viện Thống Nhất trong 11 năm mình tại chức, nguyên Giám đốc Nguyễn Đức Công vẫn thầm cảm ơn tình cảm quý mến của người dân đất phương nam dành cho bệnh viện.
Ông chia sẻ: “Khi từ Bắc vào đây, tôi chẳng có ai “chống lưng” nhưng đất Sài Gòn nhiều người tốt bụng. Tôi vào miền Nam như được về nhà. Nhân viên bệnh viện rất ủng hộ để tôi hoàn thành 11 năm làm giám đốc. Các đơn vị bộ đội công an, quân khu 7, quân đoàn 4, các bệnh viện quân y luôn sẵn sàng tương trợ. Bệnh viện Thống Nhất cũng có mối quan hệ rất tốt với người dân quận Tân Bình. Cảm ơn người Sài Gòn đã vun đắp nên Bệnh viện Thống Nhất ngày hôm nay!”.
3. “Quân đội đã giúp tôi trưởng thành, làm một người thầy thuốc chân chính”
Những ai ghé đến Bệnh viện Thống Nhất TPHCM sẽ thấy 2 hàng cây hoàng nam ở sảnh trước, đó là 2 hàng tiêu binh chào đón khách theo ý tưởng của nguyên Giám đốc Nguyễn Đức Công. Ông còn tự tay hướng dẫn trang trí phòng giao ban, phòng tiếp khách… Logo bệnh viện và slogan “Thống Nhất, trách nhiệm, tình người” đều có ý tưởng của ông.
Có thể nói bàn tay giám đốc Công hiện hữu mọi nơi, chỗ nào khó khăn nhất ông có mặt ngay, bệnh hiểm nghèo dễ lây lan thì ông đến tận nơi điều hành. Trong công việc, vị giám đốc có 32 năm quân ngũ luôn nghiêm khắc nhưng ra ngoài lại rất hòa đồng và thoải mái với anh em, khởi xướng các hoạt động văn nghệ, thể thao để mọi người được thư giãn sau những tua trực căng thẳng.
Bản thân GS Nguyễn Đức Công cũng có tâm hồn thi sĩ, năm nào ông cũng chúc tết tập thể bệnh viện bằng thơ, làm thơ diễn tả nỗi vất vả của bác sĩ, điều dưỡng… Nhiều bài thơ được phổ nhạc, trở thành bài hát truyền thống của Bệnh viện Thống Nhất, gần đây nhất là những bài thơ trở thành ca khúc cổ vũ các chiến sĩ áo trắng trong đại dịch COVID-19.
TRONG TÂM DỊCH COVID
Tổ quốc gọi, chúng tôi vào tâm dịch
Hăng hái lên đường dẫu biết lắm gian nan
Một khi COVID dịch đã lan tràn
Vì quê hương, toàn dân cùng gắng sức
Là chiến sĩ ngành y không ngại gì khổ cực
Đã bốn đợt rồi! Bảo hộ kín toàn thân
Vệ sinh cá nhân, ăn uống những khi cần
Đều thật khó vì trên người như “phi công vũ trụ”
Bệnh nhân đông, cấp cứu không kịp thở
Tất bật suốt ngày rồi lại trực đêm
Kiệt sức sõng soài lại gắng đứng lên
Đồng đội tự chăm nhau như anh em thân thiết!
…
Tuy thế, ông kể ngày xưa mình không học giỏi văn: “…Tôi học hành bình thường do thiếu chăm chỉ, dễ bị phân tán trong cuộc sống nơi phố thị, thậm chí khi học trường nổi tiếng Lê Hồng Phong (Nam Định) mà cũng chỉ thuộc loại kha khá. 16 tuổi tốt nghiệp THPT tôi thi vào đại học Y khoa và có kết quả khá tốt. Lúc này, quân đội cũng tuyển sinh, tôi quyết định nhập ngũ, vào học tại Đại học Quân y (hiện là Học viện Quân y)”.
Tốt nghiệp Học viện Quân y với điểm số đứng đầu cả khóa, Trung úy Nguyễn Đức Công được giữ lại trường, tham gia giảng dạy, sau đó lên biên giới Lạng Sơn đi thực tế. 1 năm sau, anh về nhận công tác tại khoa Tim – Thận – Khớp – Nội tiết, Bệnh viện Quân y 103. Năm 1990 được cử đi thi nghiên cứu sinh nước ngoài, dùi mài kinh sử 6 năm ở Nhật và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Về nước, TS.BS Nguyễn Đức Công tiếp tục dạy học ở Học viện Quân Y và làm nghiên cứu khoa học, tham gia quản lý một bộ môn – khoa lớn của Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y. Năm 2004 ông được công nhận là Phó giáo sư y học rồi gặp gỡ GS.TSKH Nguyễn Mạnh Phan…
Nhiều năm sau này, GS.TS.BS Nguyễn Đức Công luôn biết ơn môi trường quân ngũ quy củ, nề nếp, giúp cho mọi sinh hoạt của ông đều chuẩn mực, từ đó, những năng khiếu chưa bộc lộ thời học phổ thông mới đâm chồi nảy lộc.
Ở độ tuổi ngoài 60, GS.TS.BS Nguyễn Đức Công vẫn giảng dạy tại Bệnh viện Thống Nhất, nơi ông gắn bó 14 năm, “vẫn thơ ca vang vọng dưới trời” những dịp ngày kỷ niệm, hay đối thơ với những người bạn phương xa…
Năm nay vẫn còn tuổi sáu mươi
Vẫn còn thích tếu vẫn hay cười
Thể dục thể thao còn ưa thích
Thế là còn phúc trong cuộc đời.
Năm tới hy vọng vẫn cứ tươi
Vẫn còn cống hiến chút cho người
Bạn bè anh em còn trân quý
Thế là niềm vui thế là chơi.
Gặp bạn gặp bè vẫn chơi vơi
Vẫn thơ ca vang vọng dưới trời
Yêu đời, yêu bạn: niềm hạnh phúc
Thế là cuộc sống, thế là vui.
(Bài thơ GS Nguyễn Đức Công viết nhân kỷ niệm 37 năm ngày cưới, 8/7/2021)
Hồng Nhung – AloBacsiGioi.vn
Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công – Phó chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nội tiết Việt Nam Chuyên khoa: Tim Thận Khớp Nội tiết Bằng cấp chuyên môn
Kinh nghiệm:
Khen thưởng
Hội viên các hội chuyên ngành:
Công trình khoa học: Có 265 đề tài được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước (Mỹ, Nhật, Anh, Trung Quốc), tham gia chủ trì và báo cáo khoa học tại nhiều hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Hướng dẫn khoảng 100 học sinh làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 2 và khóa luận tốt nghiệp bác sĩ. |
THÔNG TIN LIÊN HỆ
TTND.GS.TS.BS Nguyễn Đức Công khám tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM
Điện thoại đặt khám: 028 3869 0277
Thời gian khám: Lịch khám của bác sĩ thay đổi thường xuyên tuỳ vào sắp xếp của bệnh viện. Vì vậy, bạn đọc vui lòng đặt lịch khám trước.
- Thứ 2 đến thứ 6: từ 7g – 11g30, chiều từ 13g – 16g30
- Thứ 7: từ 7g00 – 11g30 tại khu dịch vụ; Chiều: nghỉ
Địa chỉ: Số 1, Lý Thường Kiệt, P.7, Quận Tân Bình, TPHCM
- Từ khóa:
- Bệnh viện Thống Nhất
- giám đốc Bệnh viện Thống Nhất
- giám đốc Nguyễn Đức Công
- giáo sư Nguyễn Đức Công